A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga-Ukraine: Nóng bỏng kho thuốc súng?         

 

 

Quan hệ Nga-Thổ vừa có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan tại thành phố St.Petersburg (9-8) thì quan hệ Nga-Ukraine được đốt cháy bởi những phát ngôn nóng giữa hai vị Tổng thống cáo buộc lẫn nhau về những hành động gây hấn và mối đe dọa an ninh quốc gia.

 

 

Nga sẽ sử dụng tên lửa S-400 hiện đại để bảo vệ Crimea.

 

Bắt đầu là những tuyên bố của Ukraine, bài Nga, thân phương Tây với các phát ngôn: “Đế quốc Nga”, “Chúng ta là kẻ thù của Nga”. Tháng 7 vừa qua, Quốc hội Ukraine một lần nữa bác bỏ Dự luật về Thỏa thuận Minsk theo sáng kiến của Nhóm “Bộ tứ Normandi” về ngừng bắn, lập lại hòa bình ở vùng miền Đông Donbass. Trước đó, Ukraine triệu hồi Đại sứ ở Moskva về nước; và gần đây nhất, Chính phủ Ukraine từ chối việc Nga bổ nhiệm ông M.Babich làm Đại sứ Nga tại Kiev. Hành động được cho là cực đoan này của Tổng thống P.Poroshenko dễ dẫn đến các bước tiếp theo là cắt đứt quan hệ ngoại giao, ngừng chế độ miễn thị thực, đẩy quan hệ giữa 2 nước vào giai đoạn xung đột cao độ, xảy ra chiến tranh?

 

Ngày 10-8, các cơ quan thông tấn Nga đưa tin về việc xuất hiện các nhóm biệt kích Ukraine xâm nhập, âm mưu khủng bố, phá hoại Crimea. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) công khai danh tính những kẻ tổ chức xâm nhập bị bắt cùng vũ khí, chất nổ. Theo đó, 1 binh sĩ và 1 nhân viên FSB bị thiệt mạng khi truy kích nhóm khủng bố. Tổng thống Nga V.Putin họp khẩn cấp Hội đồng An ninh quốc gia và ra tuyên bố cáo buộc Ukraine đang “lựa chọn khủng bố thay vì hòa bình”, “Kiev đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm”. Nga cho rằng, Kiev đang kích động bạo lực và xung đột tại bán đảo Crimea là “vô cùng đáng lo ngại”. Đây là “một tội ác”, sẽ là tác động tiêu cực đến việc tổ chức đối thoại về tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Nga V.Putin cam kết, sẽ tiếp tục gia tăng bảo đảm an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân Crimea-Một phần lãnh thổ máu thịt của Nga; đồng thời kiên quyết đập tan các âm mưu khủng bố, phá hoại của biệt kích Ukraine.

 

Phản ứng lại tuyên bố của Nga, Tổng thống Ukraine P.Poroshenko bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc và cho rằng, cáo buộc của Nga là “hành động khiêu khích”, “vô lý và thiếu cân nhắc”. Ông P.Poroshenko tố cáo Nga đưa quân sang miền Đông Donbass giúp quân nổi dậy. Vị Tổng thống này phát lệnh báo động quân đội ở mức độ cao, đặc biệt các đơn vị đóng gần Crimea và Donbass sẵn sàng cho chiến tranh. Tại Liên hợp quốc (10-8), Đại diện Thường trực Ukriane V.Yelchenko kiến nghị Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập họp khẩn liên quan đến cáo buộc của Nga và để ngỏ khả năng Ukraine đề nghị triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Donbass. Ukraine cũng tiến hành tập trận tại khu vực miền Nam nước này.

 

Theo Bộ Ngoại giao Nga (11-8) cho biết: Điện Kremlin cảnh báo chính quyền Kiev phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải trả giá cho các hành động khủng bố này. “Moskva đã bàn đến biện pháp trả đũa, có thể là cắt quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, Tổng thống V.Putin sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và dựa trên những dữ liệu thu thập được”-Một nhà ngoại giao Nga cho biết. Bộ Quốc phòng Nga huy động một lực lượng lớn xe tăng, 40.000 binh sĩ và Quân khu phương Đông có trụ sở tại tỉnh Khabarovsk, tập trận áp sát biên giới Ukraine. Hạm đội Biển Đen Nga đóng ở Crimea tổ chức tập trận quy mô lớn sẵn sàng đối phó với bất cứ mối đe dọa nào. Lực lượng tên lửa chiến lược Nga lập tức triển khai các đơn vị phòng không hiện đại S-400 đến Crimea. Các cuộc tập trận của Nga mô phỏng theo “những kịch bản về các biện pháp an ninh để chống khủng bố dọc biên giới, ngoài khơi và trong không phận Crimea”. Cùng với đó, tại vùng Viễn Đông, Lực lượng tên lửa Nga với 90 thiết bị, hơn 500 binh sĩ tổ chức vận động tác chiến trên bán đảo Kamchatka.

 

Trước những diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Hội đồng Bảo an LHQ thông báo sẽ nhóm họp khẩn. Tổ chức Hợp tác an ninh châu Âu (OSCE) cũng sẽ họp về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố, tỏ ý lo ngại về những dấu hiệu leo thang căng thẳng tại khu vực ranh giới hành chính Crimea và Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga, Ukraine kiềm chế, tránh bất kỳ hành động nào có thể làm xấu đi tình hình. Tổ chức quân sự NATO cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về gia tăng căng thẳng Nga-Ukraine và kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

 

Sự vụ căng thẳng Nga-Ukraine gần như diễn ra đồng thời gian với việc tháo ngòi nổ chiến tranh Nga-Thổ làm giới phân tích chính trị không khỏi nghi ngờ có bàn tay đạo diễn của Mỹ? Nước Mỹ và phương Tây không khỏi lo sợ khi Thổ Nhĩ Kỳ ngả theo Nga, sẽ mất luôn một thành viên NATO xung kích? Chính phủ Syria thắng lớn ở Aleppo, đồng nghĩa có lợi thế trên bàn đàm phán, Mỹ phải tung ra “Kế hoạch B”-Cấp vũ khí hiện đại cho phe nổi dậy và kích động các nước SNG chung biên giới với Nga gây hấn. Nga không thể rảnh tay, tập trung không kích chống khủng bố ở Syria, cứu chế độ của ông B.al-Assad? Phải chăng, Ukraine là một nước cờ cao tay của Mỹ-Điều kiện mà Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry đã úp mở đưa ra trong chuyến thăm Nga hồi tháng 7 vừa qua?

 

Tổng thống Ukraine P.Poroshenko luôn lớn tiếng khi bài xích Nga, thậm chí tuyên bố chiến tranh. Năm nay, Kiev dành 100 triệu USD hiện đại hóa không quân nhằm đủ sức “chiến đấu chặn đứng quân đội lớn nhất trên lục địa” và giành lại 2/3 lãnh thổ Donbass? Tuy nhiên, thực trạng nền kinh tế đang lao dốc và nạn tham nhũng, trốn thuế đang kéo tụt uy tín, tham vọng của ông P.Poroshenko. Quân đội Ukraine lại rệu rạo và yếu đuối hơn bao giời hết. Đã có hơn 160.000 binh lính trốn khỏi mặt trận miền Đông. Mặc dù hơn 1.000 người bị đưa ra xét xử hình sự nhưng hơn 8.000 nhân viên an ninh nước này vẫn chạy sang cầm súng cho dân quân Donbass. Năm 2015 có 27.000 thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự bằng 50% số người được gọi, trong đó có nhiều người trốn sang Nga hoặc về Donbass. Hàng trăm sĩ quan, binh lính Hải quân Ukraine đào ngũ, phục vụ cho Hạm đội Biển Đen-Nga. Tuần qua, Tổng thống P.Poroshenko, cựu Thủ tướng A.Yasenyuk, Thị trưởng Kiev V.Klychko, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia A.Turchinov bị Tổng Công tố Ukraine triệu tập lấy lời khai về vụ Maidan “phạm tội ác chống người biểu tình” (tháng 1, 2-2014). Chính quyền Kiev phải đối phó với hàng loạt khó khăn nội tại nên không thể dễ dàng phát động một cuộc chiến tranh chống lại nước Nga!

 

Tình hình căng thẳng Nga-Ukraine được đẩy lên điểm đỉnh. Hai bên đang ngồi trên thùng thuốc súng nhưng dẫu vậy, vẫn khó xảy ra một cuộc chiến tranh.

 

Hà Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ