A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến lược an ninh mới của nước Mỹ?         

 

QPTĐ-Trong bài phát biểu (ngày 18-12), tại Tòa nhà Ronald Reagan (Washington), trước 650 quan chức Chính phủ và các Cố vấn hoạch định chính sách của Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump tuyên bố Chiến lược an ninh mới của nước Mỹ. Theo giới truyền thông Mỹ, bản Chiến lược này gần 70 trang, dầy gấp đôi Chiến lược an ninh thời Tổng thống B.Obama công bố năm 2015 và có nhiều điểm khác biệt so với người tiền nhiệm. Theo đó, ông D.Trump tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán: “Nước Mỹ trên hết!” 

 

 

Mỹ gia tăng hiện diện tại Afghanistan.


                                                                          
Về chính sách đối ngoại, ông D.Trump công khai tuyên bố: Nga, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh về chính trị và kinh tế, thách thức quyền lực của Mỹ, làm ảnh hưởng đến an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ. “Họ tìm cách làm cho nền kinh tế ít tự do, ít công bằng hơn để phát triển quân đội và để kiểm soát thông tin, dữ liệu, chi phối xã hội và mở rộng tầm ảnh hưởng”-Tổng thống D.Trump nhấn mạnh. 


Với Nga, ông D.Trump dùng lời lẽ cứng rắn, cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, bản Chiến lược tránh đả động đến sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 mà phe Dân chủ đưa ra đang gây dư luận xôn xao chính trường Mỹ, phủ bóng đen lên mối quan hệ vốn đã căng thẳng Mỹ-Nga? 


Lần đầu tiên, Mỹ đưa Trung Quốc vào diện đối thủ cạnh tranh. Trước đó, Chính phủ Mỹ chính thức khởi động cuộc điều tra cáo buộc Trung Quốc giao thương không công bằng. Mỹ cũng áp hàng loạt lệnh trừng phạt với các doanh nghiệp, cá nhân Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên. Mặc dù trong hai cuộc thăm cấp Nhà nước và gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ-Trung giữa Tổng thống D.Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định, mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp nhưng hai cường quốc quân sự và hai nền kinh tế số 1, số 2 thế giới đang ẩn chứa nguy cơ gây bùng nổ xung đột về lợi ích? Đáp lại Chiến lược an ninh của Mỹ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng: Mỹ và Trung Quốc nên “thúc đẩy lòng tin chiến lược!” 


Mỹ coi Iran, Triều Tiên, Syria và các nhóm vũ trang Hồi giáo là mối đe dọa đối với lợi ích nước Mỹ; trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, chiến tranh sinh học.  


Mỹ ưu tiên thúc đẩy tiềm lực quân sự, quốc phòng, đầu tư phát triển vũ khí công nghệ cao, chương trình hạt nhân, kéo theo các tập đoàn công nghiệp quân sự khổng lồ có lợi cho nước Mỹ. Mỹ yêu cầu các quốc gia đồng minh cùng chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự trong hợp tác khối và song phương. Tổng thống D.Trump ban hành Sắc lệnh rút khỏi Hiệp định của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Paris 2015 và không coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ (điều mà ông B.Obama từng theo đuổi)? 


Bản Chiến lược an ninh được tuyên bố sau gần 1 năm ông D.Trump cầm quyền cho thấy, dường như ông D.Trump đang thể hiện cam kết đã hứa với cử tri Mỹ dịp vận động tranh cử Tổng thống năm 2016, kể cả những phản bác với tranh cử của đối thủ Đảng Dân chủ H.Cliton và người tiền nhiệm B.Obama, hơn là một chiến lược toàn cầu của cường quốc số 1 thế giới? Ông D.Trump coi an ninh kinh tế là vấn đề tối quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ là ưu tiên số 1 nên ông D.Trump không ngần ngại hủy bỏ các thỏa thuận với các quốc gia khác trên các lĩnh vực thương mại, biên giới, biến đổi khí hậu, di cư, phúc lợi xã hội, thuế quan… 


Trên thực tế, ngay ngày đầu tiên ngồi ghế Ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump đã ký Sắc lệnh hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Rồi sau đó là các luật phủ quyết các nỗ lực, thành quả của người tiền nhiệm như Dự án xây bức tường biên giới với Mexico, lệnh cấm nhập cư với 6 nước có số đông người Hồi giáo, xiết chặt cấm vận Nga; bóp chặt chính sách thương mại với Cuba, Venezuela; hủy Luật bảo hiểm y tế Obamace, cải cách chính sách thuế có lợi cho tầng lớp thượng lưu, xem xét lại Thỏa thuận hạt nhân Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung và Đức) đã ký với Iran… 


Đầu tháng 12 vừa qua, Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, một địa danh nhạy cảm về tôn giáo, đang tranh chấp giữa Palestine và Israel từ nửa thế kỷ qua. Quan điểm của ông D.Trump về Jerusalem trái với các nghị quyết của Liên hợp quốc về vùng đất này. Đại hội đồng Liên hợp quốc nhóm họp, 128 nước bỏ phiếu chống quyết định này của Mỹ, yêu cầu ông D.Trump phải đình chỉ quyết định về Jerusalem. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia ra Tuyên bố chung phản đối Mỹ, đồng thời công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, chuyển Đại sứ quán của nước này đến Đông Jerusalem! Phớt lờ dư luận quốc tế, Mỹ dọa sẽ cắt viện trợ các nước “tiêu tiền Mỹ lại chống Mỹ?” 


Thật ra, Mỹ đã đóng vai “cảnh sát toàn cầu” sau khi Liên Xô và phe Xã hội chủ nghĩa tan rã. Quân Mỹ đồn trú ở 800 căn cứ quân sự trên toàn thế giới với ngân sách quốc phòng 650 tỷ USD (năm 2017) tăng lên 700 tỷ USD (năm 2018). Năm 2017, binh sĩ đặc nhiệm Mỹ được triển khai ở 149 nước chiếm 3/4 số nước trên thế giới, tăng 1,5 lần thời Tổng thống G.W.Bush. Trong kế hoạch “NATO Đông tiến”, Quốc hội Mỹ vừa thông qua Đạo luật chi 214 triệu USD hỗ trợ xây dựng 9 căn cứ quân sự khu vực Bắc Âu và Đông Âu tại Latvia, Estonia, Hungaria, Romania, Iceland, Na Uy, Luxemboug, trang bị các loại máy bay do thám, chiến đấu cơ, tàu chiến, tên lửa đạn đạo để “chống lại mối đe dọa từ Nga”. Năm 2018 ngân sách cho Chương trình “Ngăn chặn chủ động tại châu Âu” (EDI) tăng từ 1,2 tỷ USD lên 3,4 tỷ USD? 


Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoigu nhận định: “Mỹ và các nước phương Tây chưa sẵn sàng dừng lại các hành động chống lại Nga”. Tổng thống Nga V.Putin cho rằng: Chiến lược an ninh mới của Mỹ là “hung hăng”, Nga sẽ có biện pháp đáp trả tương ứng.


Hà Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ