A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”

QPTĐ-Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024),  Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Các đại biểu là các thương binh, bệnh binh tham dự hội nghị. 

Ảnh: QĐND

Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo về các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng và trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Trong 10 năm từ 2013-2023, cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110 nghìn sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. 

Với hơn 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Đồng thời đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025 với dự kiến trên 162 nghìn hộ, kinh phí khoảng hơn 7.000 tỷ đồng. 

Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, chúng ta đã giải quyết được căn bản hơn 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024, quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ. 

Cũng trong dịp kỉ niệm này,  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành kích hoạt Ngân hàng lưu trữ gen liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân; đặt mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính khoảng 20.000 mẫu bằng phương pháp giám định ADN. Đây là sự kiện rất mới mẻ, đem lại niềm hi vọng cho các gia đình liệt sĩ sẽ tìm được người thân sau nhiều năm mong đợi.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói: “Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, trong đó rất nhiều người tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, để lại phía sau bao ước mơ, hoài bão còn dang dở, những trang sách, giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương để lên đường thực hiện nhiệm vụ, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do và nhân dân được ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. 

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng tốt đẹp hơn. Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ, tri ân và tâm niệm “Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!”, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, ngày truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” thể hiện những giá trị nhân văn cao cả của dân tộc ta. Đây cũng là dịp để toàn dân thể hiện sự biết ơn và tôn vinh những công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, qua đó giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

HỮU VĂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ