A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận diện đối tượng chống phá Luật An ninh mạng

 

QPTĐ-Ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý hữu hiệu góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc và người dân trước những nguy cơ đe dọa, tạo môi trường không gian mạng lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phục vụ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Luật An ninh mạng góp phần bảo vệ an toàn không gian mạng.


Vậy nhưng, trên một số báo nước ngoài như BBC, RFA, VOA, RFI…và các trang mạng xã hội xuất hiện dày đặc các bài viết xuyên tạc, bóp méo Luật An ninh mạng như: “Bị trói thêm một nuộc”, “Tôi bất tuân an ninh mạng”, “Tản mạn về Luật An ninh mạng Việt Nam”, “Đảng quyết, Google hay Facebook cũng phải nghe”, “Luật An ninh mạng: Tuân thủ hay viết-nói theo ý mình?”. Các bài viết này cho rằng, Luật An ninh mạng “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”. Đây là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước, cản trở Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống. Các đối tượng này là ai và chống phá Luật An ninh mạng nhằm mục đích gì?


Trước hết, một số người ít hiểu biết về pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, lo ngại Luật An ninh mạng không phù hợp với các hiệp định thương mại quốc tế, tạo rào cản kinh doanh, làm khó doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng. Tuy nhiên có thể thấy, trong 7 quy định liên quan tới trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng trong Luật An ninh mạng, không có quy định nào liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng không có quy định nào yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải có giấy phép con mới được phép hoạt động. Trên thực tế, cho đến nay, khi Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực thì  các nhà mạng Google, Facebook và một số nhà mạng khác vẫn hoạt động bình thường tại Việt Nam cũng như không có ý định rút khỏi thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam.


Tiếp đến là những người đang sử dụng không gian mạng lo ngại mình bị lộ thông tin cá nhân. Để giải đáp những lo ngại này, họ đã không tìm đến văn bản chính thức của Luật An ninh mạng mà lại tiếp nhận những thông tin sai lệch, những thông tin bị bóp méo, bị xuyên tạc của các thế lực thù địch, từ đó, họ đã có những phản ứng không phù hợp.


Nguy hiểm nhất, chống phá quyết liệt nhất Luật An ninh mạng là các thế lực thù địch với Việt Nam và các phần tử phản động, tay sai, cơ hội chính trị. Bởi với những quy định của Luật An ninh mạng thì từ nay, những thế lực thù địch chống phá Nhà nước Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của dân tộc Việt Nam đã không còn được tự tung tự tác trên không gian mạng, không còn cái gọi là “sự tự do trên mạng” để lan truyền những thông tin chống phá Nhà nước Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam. Đó mới là nguyên nhân đích thực của những hành động điên cuồng chống lại Luật An ninh mạng của Việt Nam.


Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền làm rõ những nội dung trong Luật An ninh mạng để các tầng lớp nhân dân hiểu, nắm được và mỗi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Kiên quyết đập tan những luận điệu hòng kích động, gây rối của một số phần tử cực đoan, lợi dụng dân chủ để chống phá những chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta, sớm đưa Luật An ninh mạng vào cuộc sống.


Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ