A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nạn cho vay nặng lãi

 

QPTĐ-Nhan nhản trên tường, trên thân cây, trên cánh cửa…từ mọi ngóc ngách thôn quê, đến nơi đô hội thị thành đâu đâu cũng có những dòng quảng cáo cho vay tín dụng nhanh chóng, tiện lợi…Chỉ cần chứng minh thư, Thẻ căn cước là được giải ngân, lãi suất thỏa thuận…Những lời mời quảng cáo ngọt ngào, hấp dẫn ấy khiến bao nhiêu người đang lâm vào cảnh túng thiếu lo cái ăn hàng ngày trong thời Covid-19, lo trả nợ, lo chữa bệnh…mừng như “được cứu sống”, nhưng khi đã cầm được đồng tiền thì những con nợ đã tự chuốc lấy thảm họa, giống như tự đưa chân vào cạm bẫy, mà ở đây là cạm bẫy tín dụng. 

Ảnh minh họa (Internet)

Trên không gian mạng đã có không biết bao nhiêu nạn nhân của nạn tín dụng đen có “vay” mà không làm sao mà “trả” hết nợ. Mới đây, có chuyện một phụ nữ tìm đến một app vay tiền vì đang cần gấp 10 triệu đồng để giải quyết công việc. Chị tưởng rằng sẽ kết thúc vay sau 7 ngày nhưng đó mới là bắt đầu một chu trình trả lãi với mức không thể tin nổi. Chị cho biết, vì không hề tính được mức lãi suất cũng như lãi phạt chậm nên không lâu sau, chị đã rơi vào vòng xoáy nợ nần, tính đến nay dù đã trả hơn 1 tỷ đồng nhưng nợ vẫn hoàn nợ.

Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố  Hà Nội) vừa triệt phá ổ nhóm “tín dụng đen” cho hơn 7.000 người vay với lãi xuất 180%/ năm. Công an đã khởi tố bị can 9 đối tượng cùng trú tại quận Hoàng Mai về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Cơ quan công an xác định, ổ nhóm này hoạt động với hình thức cho vay "bốc bát họ" tỷ lệ 10 ăn 8, nếu khách vay 10 triệu đồng sẽ cắt lãi trước 2 triệu đồng, chỉ nhận được 8 triệu đồng. Mỗi ngày, khách hàng phải đóng cả gốc và lãi 200.000 đồng trong vòng 30 ngày tương đương với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ngày, 180%/ năm. Cơ quan điều tra xác định, đến nay, ổ nhóm này đã cho hơn 7.300 lượt khách vay với tổng số tiền gần 21 tỷ đồng, thu lời hơn 6,8 tỷ đồng.

Hình thức cho vay với lãi suất thắt cổ như vậy đã khiến người vay lâm vào cảnh khốn cùng. Họ âm thầm chịu đựng mất nhà, mất đất nếu muốn sống yên ổn. Một nạn nhân ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An vay số tiền 65 triệu từ một người quen.  Bà đã  trả dần 2 triệu/tuần và đã trả được tổng cộng 30 triệu, còn lại 35 triệu. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 ập đến, công việc tự do không ổn định nên bà chậm trả nợ trong 2 tuần. Lập tức chủ nợ bắt con nợ chịu phạt bằng cách tính lại số tiền vay phải trả từ đầu. “Họ không trừ số tiền 30 triệu đã trả mà yêu cầu tôi nộp lại từ đầu. Giờ bắt nộp 80 triệu trong tháng 6 này thay vì 35 triệu”-Bà nói trong nước mắt. Một nạn nhân khác ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh vay 6 triệu mà chậm trả sau 14 ngày nên giờ thành 11 triệu đồng”. Bên cho vay khống chế hàng ngày mà không đào đâu ra tiền mà trả nợ. Những kẻ đòi nợ gợi ý: Bán thận đi mà trả nợ...!

Nạn cho vay nặng lãi và xiết nợ đang là nỗi bất an cho những vùng quê nghèo, gây mất an toàn, an ninh. Lực lượng chức năng đã vào cuộc và đã có hàng nghìn vụ việc liên quan đến tín dụng đen bị xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên,  các vụ việc tín dụng đen được phát hiện nhiều, nhưng kết quả xử lý lại chưa đủ sức răn đe, và chưa có chế tài để xử lý hiệu quả hơn. Do đó, cần có sự phối hợp vào cuộc đồng bộ  của các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, đồng thời với các quy định luật pháp chặt chẽ, chi tiết và sát thực tế và cần có  được sự đồng tình, hưởng ứng và cảnh giác của người dân không tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”. Mặt khác, Nhà nước và ngành Ngân hàng sớm có các quy định phát triển sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu chính đáng của người nghèo. Việc cho vay thuận tiện cũng sẽ góp phần kéo giảm và chặn đứng hoạt động “tín dụng đen”.

PV
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ