A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu tăng cao trong sáu tháng đầu năm 2022

 

QPTĐ-Tình hình thế giới và khu vực sáu tháng đầu năm 2022 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xung đột quân sự Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, giá xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2022 tiếp tục được duy trì với mức thặng dư 740 triệu USD. Duy trì cán cân thương mại liên tục đã có tác động tích cực về nhiều mặt, trực tiếp là góp phần cải thiện cán cân thanh toán, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá VND/USD. 

Sáu tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 710 triệu USD. (Ảnh: Internet)

Xu hướng tích cực

Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt các cơ hội từ thị trường khi dịch Covid-19 đã bước đầu được kiểm soát, khiến nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu trên thế giới ngày càng tăng cao. Đơn cử, sáu tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đã ước tính đạt 5,7 tỷ USD, tăng đến 39,6%; xuất khẩu cà-phê đạt 2,3 tỷ USD, tăng khoảng gần 50%. Nhu cầu các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là hàng hóa trong nhóm nông sản tăng cao khiến nhóm hàng này đang kỳ vọng mục tiêu có thể đạt đến 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, cao hơn 10 tỷ USD so với con số mà ngành ước tính từ đầu năm 2022. Đồng thời sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu nhóm hàng hóa thiết yếu cũng đạt gần 62 tỷ USD/tháng.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2022 đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD. Chỉ tính riêng trong tháng 6/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%. Trong sáu tháng đầu năm 2022, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu sáu tháng năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,8%, giảm 0,6 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3,1%, tăng 0,5 điểm phần trăm.

Theo chiều ngược lại, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120 tỷ USD, tăng 15,6%. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%, tăng 1,1 điểm phần trăm; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD. Trong sáu tháng đầu năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 35 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,1 tỷ USD, tăng 39,5%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, giảm 10,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 463 triệu USD, giảm 39,9%.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2022 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó dịch vụ du lịch đạt 651 triệu USD, tăng gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 2 tỷ USD, tăng 154,5%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2022 ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 6,4 tỷ USD, tăng 27,2%; dịch vụ du lịch đạt 2,5 tỷ USD, tăng 37%. 

Tính chung sáu tháng đầu năm 2022, xuất siêu 710 triệu USD, so sánh với cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô, xuất siêu 16,68 tỷ USD.

Những khó khăn phía trước

Các chuyên gia nhận định, nếu duy trì kết quả như sáu tháng đầu năm, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt hơn 740 tỷ USD. Điều này hoàn toàn khả thi, bởi những tháng đầu năm có nhiều kỳ nghỉ dài ngày, trong khi đó về cuối năm khó khăn do dịch Covid-19 đã giảm bớt. Mặt khác, thông lệ những năm qua, các tháng cuối năm thường có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cao hơn so với đầu năm.

Tuy nhiên, chặng đường cho xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm dự báo cũng không ít khó khăn. Nguyên nhân bởi tình hình lạm phát đang gia tăng mạnh mẽ ở châu Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... Đây đều là các thị trường trọng điểm của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng nêu trên khiến người dân ở các quốc gia này có xu hướng thắt chặt hơn chi tiêu, đặc biệt là cho hàng hóa không thiết yếu.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thừa nhận, sáu tháng đầu năm 2022, thị trường xuất khẩu dệt may đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng từ cuối quý II, đã xuất hiện những biến động về thị trường, cộng với tình hình lạm phát trên thế giới, khiến đà tăng trưởng xuất khẩu này chậm lại. Hơn nữa người dân có xu hướng chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu và giảm bớt tiêu dùng cho các loại hàng hóa khác, trong đó có dệt may. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ít nhiều bị ảnh hưởng. 

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hiện chưa có dấu hiệu chấm dứt. Cuộc xung đột này đã đẩy giá xăng, dầu tăng cao trong nửa đầu năm, trong khi, đây là đầu vào cho nhiều hàng hóa khác. Do đó, chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tất cả những đặc điểm này cho thấy rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động xuất nhập khẩu sáu tháng cuối năm có thể xảy ra, đồng thời đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực của cả doanh nghiệp trong việc chung tay tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa trong nửa cuối năm.

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ