A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành công xuất khẩu của Ngành Nông nghiệp năm 2020

 

QPTĐ-Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, song xuất khẩu của Ngành Nông nghiệp vẫn tăng trưởng, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 quý năm 2020 đạt hơn 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019. Dự báo cả năm, toàn Ngành Nông nghiệp sẽ đem về 41 tỷ USD từ xuất khẩu. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động lên nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Hạt điều là 1 trong 6 nhóm mặt hàng nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD. (Ảnh: Internet)

Những con số biết nói

Một số ngành hàng đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 trên thế giới, dẫn đến suy giảm xuất khẩu, nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng về chiều sâu của kim ngạch trong 9 tháng, đặc biệt thặng dư thương mại nông sản hiện chiếm tới 80-85% thặng dư thương mại của cả nước. Điều này cho thấy, sự trỗi dậy trong quản trị và kiềm chế tốt nhập khẩu vật tư đầu vào cùng với gia tăng về xuất khẩu, đã làm gia tăng xuất siêu của nông sản. Cộng đồng doanh nghiệp đã sáng tạo, đổi mới phương thức quản trị, chuyển sang phương thức bán hàng phi truyền thống như thương mại điện tử. Cho thấy, đại dịch cũng là liều thuốc thử để minh chứng cho sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.

Đến thời điểm này, Ngành Nông nghiệp đã có 8 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Trong đó, 6 nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, gạo, rau quả, hạt điều, cà phê. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 quý đạt 8,48 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng mạnh ở các thị trường như: Hoa Kỳ tăng 26,1%; Trung Quốc tăng 10,6%; Canada tăng 10,3%. Ngành Thủy sản có mặt hàng tôm đã đạt kim ngạch xuất khẩu 2,75 tỷ USD trong 9 tháng. 

Tuy vậy, nhìn toàn cảnh Ngành Thủy sản lại không được "sáng" như lâm sản, khi kim ngạch xuất khẩu 3 quý đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 6,03 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản tăng 7% ở thị trường Hoa Kỳ, nhưng lại suy giảm ở nhiều thị trường chủ lực khác: Nhật Bản (giảm 2,9%); EU (giảm 17,35%); Trung Quốc (giảm 3,3%). Giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2019, kim ngạch rau quả giảm 11%. Trung Quốc, Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường lớn về xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan...  
Điều đáng nói năm nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng, hàng hóa nói chung đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức, do dịch Covid-19 đã gây tê liệt lưu thông, tiêu thụ ở nhiều thị trường trên thế giới. Có những tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam phải tạm dừng giao thương biên mậu. Hậu quả là giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đã giảm mạnh trong 3 quý đầu năm.
 
Nâng tầm giá trị gạo Việt 

Từ quốc gia thiếu đói, Việt Nam đã vươn lên vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và tự tin có đủ năng lực xuất khẩu gạo cung cấp cho nhiều thị trường lớn trên thế giới. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: Giá trị xuất khẩu gạo tăng cao trong thời gian qua và có sự đột phá về giá trong năm 2020 thể hiện hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo đang thành công và đặc biệt chúng ta có những thích ứng kịp thời trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong khi các nước cùng có chung mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các nước “đối thủ” bị các vấn đề do bị ảnh hưởng của dịch bệnh như thiếu nhân lực, thiếu nhân công, thiếu logistics… thì chúng ta đã tận dụng được mọi lợi thế để làm tốt câu chuyện xuất khẩu gạo. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất bán đạt mức 493-497 USD/tấn, đây là mức cao nhất trong 9 năm qua. Đây cũng đánh dấu giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh mặc dù sản lượng xuất khẩu đã giảm bớt so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị tăng vọt.

Hiệu ứng của Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu đã tác động rất tích cực đến khách mua gạo Việt Nam, không chỉ ở châu Âu mà ở các quốc gia phát triển khác cũng tăng mua gạo Việt Nam, chính vì vậy, năm 2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có chiều phát triển tốt. Việt Nam tiếp tục tái cấu trúc ngành gạo theo hướng tập trung vào dư địa có lợi thế như chủng loại gạo thơm sẽ gặt hái thành công trên thị trường xuất khẩu.

Tính chung 11 tháng đầu của năm 2020, sản lượng xuất khẩu ước đạt hơn 5,7 triệu tấn gạo, trị giá hơn 2,8 tỉ USD, so với cùng kì năm 2019 giảm 2,52% về lượng nhưng tăng 13% về giá trị, năm 2020 là năm thành công của ngành gạo Việt Nam. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Senegal (gấp 3,55 lần), Indonesia (gấp 2,9 lần) và Trung Quốc (tăng 82,5%). Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 489,2 USD/tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2019. Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 40,7% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,6%; gạo nếp chiếm 17,4%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.

Đòn bẩy từ EVFTA

Điểm nhấn trong bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay chính là việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, đã như một đòn bẩy tạo sức bật cho xuất khẩu. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang châu Âu ghi nhận tăng trưởng nhanh hơn, với tổng trị giá xuất khẩu từ ngày 1-8-2020 đến hết tháng 9-2020 đạt hơn 766 triệu USD. 

Vừa qua, chúng ta chứng kiến các lô xuất khẩu nông sản sang EU tận dụng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA như các lô hàng: 30 tấn sản phẩm tôm đông lạnh; 100 tấn chanh leo xuất khẩu sang Đức; trái cây xuất khẩu đi Anh, Đức, Hà Lan; 126 tấn gạo thơm xuất khẩu sang Séc. Đây là những lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào EU. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU tăng 1% so với cùng kỳ 2019 đã phản ánh tác động tích cực của Hiệp định này trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thủy sản được ưu đãi thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. 

Ngày 22-9-2020, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ công bố xuất khẩu hơn 126 tấn gạo thơm sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Với 80.000 tấn gạo trong đó có 30.000 tấn gạo thơm được cấp hạn ngạch ưu đãi thuế sang EU, dư địa cho xuất khẩu gạo sang EU đang rất lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc các vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất xứ nguồn gốc để tận dụng cơ hội do EVFTA mang lại. 

Song Hà
 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ