A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Đan Phượng ​​​​​​​

Phấn đấu lên quận vào năm 2025

QPTĐ-Thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thuận lợi là cơ bản, nhưng còn gặp nhiều khó khăn như thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp; đặc biệt là dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến địa phương. Song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, huyện Đan Phượng đã đạt được kết quả khá toàn diện. 

Nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt 14.124 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,53% so với cùng kỳ; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng ước đạt 6.604 tỷ đồng, đạt 99,74% kế hoạch, tăng 10,36% so cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành dịch vụ-thương mại ước đạt 6.521 tỷ đồng, đạt 99,71% kế hoạch, tăng 11,64% so cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp, thủy sản ước đạt 999 tỷ đồng, đạt 103,74% kế hoạch, tăng 4,7% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện gần 826 tỷ đồng, đạt 152,3% so với dự toán Thành phố giao và đạt 120,9% so với dự toán huyện giao…

Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng năm 2020 đạt 5.786,58 ha, bằng 94% so với năm 2019. Huyện đã chuyển đổi thêm được 126,15 ha đất nông nghiệp sang trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả, nâng tổng diện tích chuyển đổi trên toàn huyện đạt 1.450/3.600ha. Toàn huyện đã trồng được 17.803 cây xanh… Ngoài ra, trong năm, huyện cũng đã tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị; cấp 140 giấy phép xây dựng, kiểm tra 265 công trình xây dựng mới, phát hiện 15 công trình vi phạm trật tự xây dựng, đã xử lý 15 trường hợp; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 265 triệu đồng. Các lực lượng chức năng cũng tổ chức ra quân giải tỏa vi phạm an toàn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, từ đó đã vận động tháo dỡ khắc phục 144 trường hợp, giải tỏa 132 mái che, mái năng, ô dù; phá dỡ 106 bục, bệ; thu giữ 93 biển quảng cáo… 

Đặc biệt, huyện là điểm sáng và là đơn vị đi đầu toàn Thành phố trong công tác xây dựng nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội năm 2015, Đan Phượng đã bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Huyện tập trung chỉ đạo, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, chỉ đạo 6 xã: Hạ Mỗ, Liên Hồng, Hồng Hà, Thượng Mỗ, Thọ Xuân, Thọ An phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Về xã Đan Phượng, được Thành phố chọn là 1 trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô. Huyện đã chỉ đạo rà soát kết quả thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay xã Đan Phượng đã cơ bản đạt 4 tiêu chí về văn hóa, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch; phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô vào năm 2021. Huyện cũng đã vận động nhân dân xã hội hóa gần 10 tỷ đồng thực hiện cuộc thi giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn...

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng: Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, năm 2021, huyện Đan Phượng tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đan Phượng thành quận vào năm 2025; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao gắn với đô thị ven đô; đẩy nhanh các dự án đầu tư công; tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân triển khai các dự án, công trình; chú trọng phát triển kinh tế làng nghề; đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Song Phượng, Đan Phượng, Hồng Hà; khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh hình thành các doanh nghiệp mới...

Thể Văn 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ