A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực vượt khó, thúc đẩy tăng trưởng

QPTĐ- Đó là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 vừa qua. Phiên họp do Thủ tướng chủ trì nhằm đánh giá, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 cùng một số nội dung quan trọng khác. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục phải ứng phó với diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới với nhiều yếu tố bất lợi.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5. 

Ảnh:  VOV

Trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng; lạm phát thế giới vẫn ở mức cao; hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ... trong khi nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, nên chịu tác động mạnh bởi diễn biến tình hình thế giới, có nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi.

Tuy nhiên, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã thống nhất nhận định, trong điều kiện khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng hành của Quốc hội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị..., tình hình KT-XH nước ta tiếp tục được duy trì ổn định và có nhiều điểm sáng. Lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Thu NSNN ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Xuất siêu 9,8 tỷ USD. Xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. 

Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến. Du lịch phục hồi nhanh. Đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công tăng 35% so với cùng kỳ, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt hiệu quả tích cực, nhất là ngoại giao kinh tế. Thông tin truyền thông được tăng cường đấu tranh phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc, chống phá Đảng và Nhà nước.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bài học về giữ vững, củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn; giữ bản lĩnh vững vàng trong mọi tình huống; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Quan điểm chỉ đạo, điều hành phải nhất quán theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời phải giữ vững được sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả. 

Sự nỗ lực của Việt Nam vượt qua thách thức để ổn định và phát triển kinh tế đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) nhận định, mặc dù tốc độ sẽ chậm lại nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức rất cao, dự kiến đạt 5,8% vào năm 2023 và sau đó là 6,9% vào năm 2024. Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3/2023 với chủ đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng” dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần được cải thiện vào quý II/2023 và 2 năm tiếp theo (2024-2025), lên mức 6,5% mỗi năm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố báo cáo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và ở mức tương tự trong năm 2024. Với tốc độ này, OECD nhận định Việt Nam tiếp tục dẫn đầu tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ