A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Động lực mới góp phần tăng trưởng kinh tế 2023 của Việt Nam

QPTĐ-Những yếu tố chính tác động đến nền kinh tế Việt Nam là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển và tác động cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Kinh tế thế giới khó khăn, trong đó có cả sự phục hồi chậm tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.

Khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam.

                                                                                (Ảnh: Internet)

Những động lực chính tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Là nền kinh tế có độ mở cao, những biến động của kinh tế thế giới vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nhẹ, lạm phát tăng cao dẫn đến cầu tiêu dùng thế giới giảm. 

Điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm đơn đặt hàng trong nước và quốc tế, dẫn tới hoạt động sản xuất trong nước của Việt Nam bị thu hẹp, hàng loạt doanh nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng. 

Thêm vào đó, sản lượng của ngành công nghiệp chế biến sụt giảm và cả trị giá xuất khẩu cũng bị giảm, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng. Cùng đó, việc thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu trên thế giới và chi phí logistics tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam cũng như gây áp lực lên lạm phát.

Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc mặc dù đang phục hồi nhưng vẫn chậm nên đã tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam bởi Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.

 Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tuy vẫn được duy trì nhưng chưa thực sự chắc chắn do tâm lý của các nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế thế giới chưa ổn định. Vì vậy, số lượng các dự án có quy mô lớn đăng ký giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Các Tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban các vấn đề kinh tế-xã hội Liên hợp quốc (UNDESA), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ yếu đi đáng kể trong cả năm 2023 và đầu năm 2024, chủ yếu do tác động trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Với Trung Quốc, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc không đạt kỳ vọng do nhu cầu toàn cầu yếu. Do vậy, việc tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến đã giúp cho kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn, tuy nhiên mức độ lan tỏa đến các nền kinh tế trên thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng còn hạn chế.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm được dự báo sẽ thuận lợi hơn so với đầu năm 2023 nhờ vào các chính sách của Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. 

Trong đó đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm được xem là giải pháp trọng tâm. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng, các giải pháp, chính sách cần tập trung vào 3 động lực:

Trước hết, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân khoảng 30 tỷ USD trong năm nay. Trong những tháng gần đây, cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp hoạt động giải ngân được cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý. Việc tăng tốc chi tiêu của Chính phủ là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm.

Thứ hai, tiêu dùng nội địa sẽ có mức tăng trưởng khá nhờ vào một loạt chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích tăng tiêu dùng như chính sách giảm thuế VAT 2%, chính sách tăng tiền lương cơ bản, kích cầu du lịch nội địa. Đây sẽ là nhân tố kích cầu tiêu dùng do tăng thu nhập. Cùng với đó, lạm phát có xu hướng tăng chậm lại và được duy trì trong tầm kiểm soát.

Thứ ba, tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới sẽ giúp đa dạng hóa, mở rộng thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Cùng với việc hoàn thiện môi trường pháp lý, khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất trong giai đoạn 2023-2025, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Việt Nam với tiềm năng kinh tế số lớn, với những doanh nhân khởi nghiệp nhiệt huyết, đội ngũ nhân tài đều là những người trẻ, khát khao bước vào thời kỳ đổi mới công nghệ và có khả năng thích ứng nhanh. 

Những giải pháp này cũng như các chương trình thách thức đổi mới sáng tạo hằng năm trong tương lai sẽ đóng vai trò là chất xúc tác tiếp thêm sinh lực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của hơn 800 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cả nước.

Theo số liệu đưa ra trong phiên thảo luận chuyên đề về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có ba kỳ lân công nghệ (doanh nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD) và 11 doanh nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD.

 Năm 2022, Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột mới trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn tới. Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên các dự án như công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hiện đại, hoạt động nghiên cứu và phát triển... 

Với những định hướng nói trên, có thể thấy đổi mới sáng tạo đang trở thành động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ