QPTĐ- Tại Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nêu rõ, yêu cầu Hà Nội có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô. Bộ Chính trị cũng lưu ý, chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để ưu tiên xây dựng các bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung tâm chính trị Ba Đình; các không gian văn hóa, sáng tạo, không gian công cộng, công viên cây xanh.
Ranh giới và phạm vi lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội
đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Sau hơn một thập kỷ thực hiện Luật Thủ đô và sắp tới là Luật Thủ đô (sửa đổi năm 2024), Bộ Chính trị đã có những văn bản, kết luận, cho ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện quy hoạch, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của đất nước; trong đó, đặc biệt quan tâm di dời các cơ sở sản xuất, y tế; chuyển các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng được thành phố Hà Nội xác định để mở rộng không gian phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn này lại triển khai chậm chạp, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Nguyên nhân thì có nhiều, vẫn là tình trạng trên nóng, dưới nguội, viện cớ “thiếu quỹ đất, thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế” nhưng thực chất là thiếu quyết tâm.
Phải chỉ thẳng ra là, Hà Nội không được sự ủng hộ của các bộ, ngành, doanh nghiệp khi cơ quan, đơn vị phải di dời trụ sở, bệnh viện, trường học ra khỏi các quận nội thành, bất chấp việc Thành phố đã ưu tiên dùng quỹ đất cho việc di dời. Ngay đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cách quận trung tâm Thủ đô 30 km theo Đại lộ Thăng Long có 6-8 làn xe, tốc độ 80 km/giờ, đi-về chỉ mất hơn 30 phút nhưng cũng không hề mảy may động lòng các quan chức quản lý bệnh viện, trường đại học.
Hãy xem, đoạn đường Nguyễn Trãi hơn 1 km từ Nhà máy Thuốc lá Thăng Long đến siêu thị Co.opmart chứa 7 trường đại học (Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính-Viễn thông, Đại học Hà Nội…), qua Ngã Tư Sở là Học viện Thủy lợi, Đại học Công đoàn, Học viện Ngân hàng; bình quân mỗi trường đại học, học viện có khoảng 10.000 sinh viên, thì tránh sao khỏi kẹt xe, tắc đường, trong khi ở Hà Nội đang ôm 96 trường đại học, cao đẳng; riêng 4 quận lõi có tới 26 trường đại học.
Ba mươi năm trước, chúng tôi có dịp tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giai đoạn 1991-2008) về thị xã Sơn Tây, huyện Thạch Thất quy hoạch, mở đường cao tốc Láng-Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long), đặt nền móng xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu các trường đại học, hướng tới một thành phố trong tương lai. Nếu các cấp, các ngành nghiêm chỉnh thực hiện quy hoạch, các trường đại học, bệnh viện đã di dời khỏi các quận lõi trung tâm thì giờ đây tình hình an ninh giao thông ở nội thành Hà Nội đã khác.
Xin thưa, hiện có hàng chục vạn sinh viên Việt du học nước ngoài, hàng chục ngàn người Việt không chữa bệnh trong nước thì đừng nói rằng, xa quận trung tâm Hà Nội thì chất lượng học tập, chữa bệnh sẽ không cao. Vấn đề là, chúng ta cần phải có nhận thức đúng, hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa mà thôi!
HÀ NGỌC