Bùng nổ thanh toán điện tử thời đại dịch Covid-19
QPTĐ-Thanh toán điện tử đang là xu hướng mới trong mua sắm hiện nay trên toàn thế giới và cả Việt Nam. Phương thức thanh toán này được dự báo sẽ thay thế hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt. Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố năm 2021. Trong đó, Thành phố sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ và dịch vụ thanh toán điện tử; phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức được cấp phép cung ứng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân đã có thói quen thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, khi tỷ lệ thanh toán qua ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, trích nợ tự động ngày càng chiếm ưu thế.
Ví điện tử Payoo nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cước. (Ảnh: Internet)
Các hình thức thanh toán điện tử
Phương thức thanh toán điện tử bao gồm sử dụng thẻ ngân hàng, cổng thanh toán, ví điện tử, điện thoại thông minh. Thanh toán bằng “Thẻ ngân hàng” là hình thức thanh toán điện tử đầu tiên và đặc trưng nhất trong thị trường thanh toán điện tử. Tỷ lệ thanh toán bằng hình thức này lên đến 90% trong tổng tỷ lệ thanh toán điện tử. Với phương thức thanh toán bằng thẻ, người dùng có thể dễ dàng thanh toán bằng cách quẹt thẻ tại chỗ hoặc thanh toán online thông qua thẻ khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Thanh toán bằng “Ví điện tử” là hình thức thanh toán khá tiện dụng và rất phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Ví điện tử không chỉ được sử dụng trong các trung tâm thương mại lớn, sàn giao dịch điện tử mà còn sử dụng được đối với bất kỳ nhà hàng, quán nước, shop đồ nào có ký hợp đồng liên kết với ví điện tử. Thanh toán bằng “Điện thoại thông minh” là hình thức thanh toán bằng phương thức chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng này qua tài khoản ngân hàng khác bằng điện thoại di động. Nói đơn giản nghĩa là bạn dùng Mobile Banking của ngân hàng để chuyển khoản hoặc quẹt mã khi thanh toán.
Thanh toán bằng ví điện tử
Theo khảo sát của Visa, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, người tiêu dùng Việt Nam đang dần ưu tiên lựa chọn sử dụng ví điện tử cũng như thanh toán không tiếp xúc và thanh toán bằng mã QR. Khảo sát cũng cho thấy 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch.
Ví điện tử phổ biến đang được người dùng sử dụng nhiều như: MoMo, Moca, ZaloPay, Viettel Pay, Payoo, ShopeePay, MobiFone Pay. Việc ngày càng nhiều ví điện tử có mặt trên thị trường với những ưu đãi để thu hút khách hàng, làm cuộc đua ví điện tử trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong những tháng đầu năm 2021, có hơn 200 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử, với giá trị khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng. Sự thuận tiện của ví điện tử trong thanh toán là lý do để nhiều ngân hàng “nhảy” vào mảng dịch vụ này.
Theo thống kê, 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần/tuần. Hiện hầu hết các ví điện tử đều liên kết với tất cả các ngân hàng để mở rộng hệ sinh thái khách hàng và gia tăng trải nghiệm thanh toán cho người dùng. Theo AppotaPay, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong 3-5 năm tới sẽ phát triển rất mạnh. Trong đó, Mobile Money cùng với ví điện tử sẽ là những dịch vụ mũi nhọn giúp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp cận và chiếm lĩnh được tới thị phần rộng lớn còn lại trong bức tranh thanh toán trực tuyến ở Việt Nam.
Hiện các ví điện tử đang hoạt động đều cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, internet, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé tàu, máy bay… Ngoài việc xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng, các ví còn liên kết với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng.
Thanh toán bằng Mobile Money
Ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này. Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.Về cơ bản, Mobile Money hướng đến đối tượng khách hàng là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Do đó, Mobile Money nếu được quản lý tốt sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và các đối tượng tham gia.
Mobile Money cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện, sử dụng 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động. Khách hàng mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money không đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng. Khách hàng cần có SIM thuê bao di động được định danh, xác thực theo quy định của pháp luật. Để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng.
Tập đoàn Viettel cho biết, đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel ngay khi được cấp phép. Với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel khẳng định có đủ năng lực đưa Mobile Money tiếp cận đến cấp xã, phường tại các địa phương. Trong khi đó, MobiFone vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, nên nhà mạng này cũng đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.
Song Hà