A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp cựu chiến binh đi qua 2 cuộc kháng chiến

 

Là cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 70 năm tuổi Đảng, biết 6 thứ tiếng và từng trải qua rất nhiều trận đánh ác liệt suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ…là những điều chúng tôi thực sự ấn tượng khi tìm hiểu về Đại tá Nguyễn Bắc, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân, nguyên Trưởng đoàn Chuyên gia Phòng không Việt Nam tại Lào. Đại tá Nguyễn Bắc đã 87 tuổi, tai đã nặng nhưng khi nhắc đến những mốc son trong lịch sử dân tộc, nhất là Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, ông vẫn nhớ như in.

 

 

Đại tá Nguyễn Bắc chia sẻ về những kỷ niệm một thời kháng chiến.

 

SỚM GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG

Những năm 1940, để ru ngủ thanh niên Việt Nam, thực dân Pháp tổ chức phong trào thanh niên “Đuy cua roay” (Ducouroy) với nhiều chiêu trò, hình thức hấp dẫn. Lúc này, Đoàn hướng đạo sinh (HĐS) Sông Thương ra đời. Đại tá Nguyễn Bắc tham gia HĐS khi mới 10 tuổi. Ban huynh trưởng của Đoàn gồm các nhà trí thức, viên chức yêu nước có nhiều tâm huyết với thanh niên, tương lai của đất nước. Đoàn trưởng là đồng chí Trần Kim Xuyến, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động bí mật-làm Thông phán (thư ký) tại toà công sứ Pháp. Đoàn tổ chức theo 3 lứa tuổi, gọi chung là HĐS: Tráng sinh-lứa tuổi thanh niên, HĐS-lứa tuổi thiếu niên, Sói con-lứa tuổi nhi đồng.

 

Đoàn HĐS tổ chức giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước, trọng lẽ phải, làm điều tốt, tránh điều xấu; hiếu thảo với cha mẹ, lễ phép với mọi người, chăm ngoan, học giỏi. Đoàn còn rèn luyện lòng dũng cảm, tính tháo vát, nâng cao trí lực, thể lực để sau này các em trở thành người có ích cho xã hội. Đoàn có 10 lời thề cho HĐS, khẩu hiệu hành động “HĐS luôn sẵn sàng”. Đến buổi sinh hoạt đoàn, HĐS phải báo cáo việc thiện hàng ngày của mình, nếu làm thường xuyên sẽ được khen và ngược lại…

Đại tá Nguyễn Bắc hồi tưởng: “Sau này, trong một lần kiểm tra việc di chuyển cơ quan, đồng chí Xuyến đã hy sinh. Noi gương anh, HĐS đến với mặt trận Việt Minh. Tôi tham gia Việt Minh bí mật ở Dĩnh Kế (cách thị xã 4km); tổ Việt Minh gồm 3 đồng chí. Ngày 19/8/1945, chúng tôi tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang, sau đó được phân công vào Ban Thiếu nhi, thuộc Tỉnh bộ Việt Minh, công tác một thời gian, tổ chức điều tôi sang quân đội từ đó cho đến khi nghỉ hưu”.

 

Đơn vị quân đội đầu tiên Đại tá Nguyễn Bắc gắn bó là Tiểu đoàn 517,  có nhiệm vụ bảo vệ thị xã, vì khi ấy Pháp đã chiếm Bắc Giang. Sau 2 năm công tác tại đây, ông được phân công làm Chính trị viên Trung đội 1, khi tròn 17 tuổi.

Đại tá Nguyễn Bắc kể: “Đầu những năm 1950, cuộc chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, trong Hội nghị quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Muốn đánh to, thắng lớn, phải có đại pháo”. Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Khoá 6 đóng quân tại Phụng Minh Thôn, Vân Nam, Trung Quốc nhận nhiệm vụ mở lớp học lựu pháo 105mm đầu tiên của quân đội ta. Thời điểm này, đây là loại pháo lớn nhất được trang bị cho quân đội. Tôi tham gia khoá học này. Sau nửa năm (tháng 6/1951), Khoá 6 bế giảng. Đây là lực lượng nòng cốt của Trung đoàn 45 Tất Thắng (danh hiệu do Bác Hồ trao tặng)-lựu pháo 105mm trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi khi ấy là Trợ lý Ban Tham mưu (vì vừa học xong khóa Sỹ quan tham mưu). Trung đoàn huấn luyện tại Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc hơn 1 năm (7/2951-1/1953) thì về nước. Trung đoàn rời Vân Tự với đầy đủ trang bị của 1 Trung đoàn lựu pháo 105mm, gồm 20 khẩu pháo, 3.500 viên đạn, 40 xe GMC và các loại xe, thiết bị, khí tài khác…

 

Tới cửa khẩu Lào Cai, đường xá, cầu cống bị phá hỏng, không đi được đường bộ, Trung đoàn đã có một quyết định táo bạo: “Chở đại bác 105mm bằng bè nứa”. Các cỗ pháo nặng 2 tấn, các xe đại xa cồng kềnh được tháo rời từng bộ phận, xếp xuống hơn 100 bè nứa, hành quân gần 100km đường thuỷ, qua 25 thác ghềnh nguy hiểm... Ngày 21/4, toàn Trung đoàn hoàn thành cuộc hành quân bí mật, an toàn. Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đến thăm và nhận xét “Cuộc hành quân bằng đường thuỷ của Trung đoàn là một sáng kiến táo bạo, độc đáo, bất ngờ, khiến địch không thể phát hiện, ta đã có một Trung đoàn trọng pháo….”

Ngoài chuyển pháo bằng đường thuỷ, còn hai kỳ tích nữa tôi cần nhấn mạnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đó chính là việc vận chuyển pháo thành công với quãng đường hơn 500km hiểm trở, khó đi, thậm chí còn là trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù và quyết định táo bạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp “kéo pháo vào, kéo pháo ra” khi thấy trận địa của ta còn sơ sài, đồng thời cho một cánh quân của Đại đoàn 308 sang Nậm Thà (Lào) nghi binh Pháp...

 

Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các đại pháo: Lựu pháo 105mm, pháo cao xạ 37mm, hoả tiễn 6 nòng 75mm đã góp phần quan trọng chi viện cho bộ binh tiến công địch, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu.

 

NGÀY TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ

Đại tá Nguyễn Bắc cho biết: “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 632 của chúng tôi rút về huyện Phú Ninh, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, anh em được học tập rất nhiều nội dung chuẩn bị cho Ngày tiếp quản Thủ đô. Mỗi cán bộ, chiến sĩ được cấp thêm 1 bộ quần áo; đan mũ rồi bọc ni lông…Ngày 10/10/1954, đơn vị về tiếp quản Thủ đô nhưng pháo cao xạ và lựu pháo 105mm không đi cùng bộ binh. Trước đó, chúng tôi hành quân từ Phú Thọ, qua bến phà Trung Hà, thị xã Sơn Tây, vào sân bay Bạch Mai, tập kết ở đó 2-3 ngày để chuẩn bị công tác tư tưởng, vì thời điểm đó, bọn phản động vẫn còn ở Hà Nội, có âm mưu phá hoại chứ chưa phải thực sự yên bình nên mọi kỷ luật trong đơn vị rất nghiêm ngặt, nếu cần ra ngoài thì phải đi theo tổ 3 người, tuyệt đối không được ăn uống dọc đường.

 

Đúng ngày 10-10, Đoàn pháo 105mm đi từ sân bay Bạch Mai, qua Vọng, Đại La, chợ Mơ, Phố Huế, Tràng Tiền, Hàng Ngang, Chợ Đồng Xuân, Phan Đình Phùng rồi về khu vực Cột Cờ. Lúc đó tôi là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 601, Tiểu đoàn 632. Không khí Hà Nội khi ấy rực rỡ và vui sướng lắm. Đoàn của chúng tôi là xe kéo pháo nên nhân dân đứng 2 bên đường hò reo và tung hoa lên xe chứ không tặng được trực tiếp cho bộ đội; có rất nhiều văn nghệ sĩ đứng 2 bên đường kéo đàn, hát. Pháo đi đến đâu, nhân dân hò reo đến đó rất phấn khích. Năm 1946, tôi từng là cán bộ được bồi dưỡng tại Hà Nội, tại Trường Phan Chu Trinh, do cụ Đặng Thai Mai làm Hiệu trưởng, để chuẩn bị cho chiến đấu, vì vậy khi trở lại Hà Nội, tôi rất xúc động và muốn tìm hiểu xem Hà Nội có gì khác so với trước nhưng thật may, Thủ đô không bị tàn phá.

 

Sau khi dự Lễ chào cờ tuyên bố chiến thắng tại khu Cột Cờ, đơn vị được lệnh rút luôn về Phúc Thọ.

Sau này tôi được điều về đơn vị pháo bảo vệ bờ biển ở Thanh Hóa, Tiểu đoàn 456 (gồm 3 binh chủng: Bộ binh, Pháo binh và Giang Thuyền) từ 1955-1957; sau đó về Quân khu Hữu Ngạn, tới 1959 về Trường Sỹ quan Pháo binh (Sơn Tây); 1963 sang đơn vị Tên lửa. Năm 1990, tôi nghỉ hưu khi tròn 60 tuổi”.

Trở về địa phương, Đại tá Nguyễn Bắc tiếp tục tham gia công tác xã hội tới tận năm 80 tuổi. Điều đặc biệt, cho đến bây giờ ông vẫn là Giám đốc điều hành Trung tâm tư vấn Khoa học Công nghệ môi trường do chính ông thành lập. Với khả năng biết nhiều thứ tiếng, ông được nhiều báo chí trong và ngoài nước đến phỏng vấn, viết bài. Ngoài ra, ông có rất nhiều tác phẩm được đăng trên nguyệt san Sự kiện và nhân chứng, báo Quân đội nhân dân…Ông thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

          

      Trần Hiền-Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ