A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo

 

QPTĐ-Mới đây, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) đã ra bản phúc trình năm 2021 về tự do tôn giáo tại Việt Nam, trong đo, tiếp tục đề cập những thông tin thiếu khách quan và chưa được kiểm chứng, vu cáo Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, những đánh giá phiến diện, sai lệch và tiêu cực này không phản ánh đúng thực chất hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Hiện nay, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được đảm bảo và ngày càng được cải thiện theo xu thế phát triển của đất nước và xu thế chung của thời đại.

Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. (Ảnh: Internet)

Vẫn là cái nhìn phiến diện

Báo cáo của USCIRF ghi nhận một số tiến triển tích cực trong việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam như việc Chính phủ Việt Nam nỗ lực xây dựng nền tảng trực tuyến liên ngành để giám sát, theo dõi việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và giải quyết khiếu nại của các cá nhân, tổ chức tôn giáo; thực hiện tái định cư cho những người Mông Cơ đốc giáo không hộ tịch đang cư trú ở Tiểu khu 179, Lâm Đồng... Tuy nhiên, như Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt: “Báo cáo vẫn còn một số nội dung đánh giá thiếu khách quan, không công bằng, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật”.

Cụ thể, những đánh giá thiếu khách quan, không công bằng trong Báo cáo của USCIRF như: “Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam trong năm 2020 cũng không khác gì năm 2019 khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện Luật Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng, vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền, vi phạm có hệ thống tự do tôn giáo, đặc biệt là đối với các nhóm tôn giáo độc lập và thậm chí cả những nhóm tôn giáo được Chính phủ thừa nhận”. Báo cáo cũng vu khống Việt Nam dựa trên những thông tin sai lệch, không được kiểm chứng khi cho rằng “...giới chức chính quyền vẫn tích cực đàn áp các cộng đồng tôn giáo thiểu số bao gồm người H’mong theo Tin Lành, người Thượng theo Thiên Chúa giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, những tín đồ của đạo Cao Đài, Công giáo và Pháp Luân Công...”. Báo cáo cũng xuyên tạc rằng “khoảng 10.000 người H’mong và người Thượng theo Thiên Chúa giáo ở Tây Nguyên hiện vẫn bị coi là không có quốc gia vì không được đăng ký hộ khẩu thường trú và chứng minh nhân dân. Trong số họ, có nhiều người không nhận được các đăng ký này do chính quyền địa phương muốn trả thù họ vì họ không chịu từ bỏ tín ngưỡng của mình”...

Thực tế, đây chỉ là những lời xuyên tạc, sai sự thật bởi lần nào vào Việt Nam, đại diện của USCIRF cũng chỉ ưu tiên tiếp xúc số chức sắc, nhà tu hành và số tín đồ có thái độ chính trị xấu, mang nặng tư tưởng tôn giáo cực đoan, ít nhiều từng có hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm đến an ninh trật tự.

Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, gồm cả tôn giáo nội sinh và ngoại nhập. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được ghi nhận ngay trong Hiến pháp đầu tiên (1946) và tiếp tục được tái khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013 của nước ta, với những quy định càng về sau càng có xu hướng chi tiết hơn. Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp quy khác như Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016)... Đặc biệt, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2028 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Trên cơ sở đó, đời sống tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta hiện nay khá sôi động và đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức khác nhau. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam đã công nhận 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, trong đo, có 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có 8.500 lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân. Trong nước có hàng chục tờ báo, tạp chí liên quan tôn giáo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. Hầu hết cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng được thực hiện theo đúng pháp luật.  Tất cả những con số đó phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời, khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận. Điều đó cũng khẳng định, những nhận xét, đánh giá trong Báo cáo của USCIRF là hoàn toàn sai lệch, không chính xác, không phản ánh thật sự đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Đã đến lúc, USCIRF phải xem lại cách thức lập Báo cáo của mình. Việt Nam đã, đang và luôn sẵn sàng tham gia cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác Hoa Kỳ, EU...; bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho các đoàn nghị sĩ, quan chức chính phủ, đại sứ quán các nước tìm hiểu về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam để khẳng định: Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo.

Phương Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ