A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam sẵn sàng hợp tác với EU trong vấn đề nhân quyền

 

QPTĐ-Vừa qua, Cơ quan Đối ngoại (EEAS) của Liên minh châu Âu (EU) đã ra bản báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới 2020, trong đo, có đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tuy có những đánh giá về thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ quyền lao động, chống lao động trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới nhưng báo cáo của EEAS vẫn còn một số nội dung chưa khách quan dựa trên những thông tin không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam. Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện với EU và sẵn sàng hợp tác trong vấn đề nhân quyền.

Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. (Ảnh: Internet)

Chủ trương nhất quán của Việt Nam

Trong công cuộc Đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Mọi chủ trương, chính sách phát triển đều xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm. Tăng trưởng và phát triển kinh tế vì con người, đi đôi với phát triển các mặt về văn hoá, giáo dục, nâng cao dân trí, bảo vệ và cải thiện môi trường. Mục tiêu nhất quán của mọi chính sách xã hội do Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra đều hướng trọng tâm vào con người, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội, bảo đảm những nhu cầu tối thiểu nhất của con người là ăn, ở mặc, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, khám chữa bệnh và nâng cao thể chất của con người Việt Nam.

Chính vì vậy, Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân" và gần 100 văn bản quy phạm pháp luật liên quan quyền con người là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Cùng với những bước tiến đó là việc không ngừng phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân.

Mới đây nhất, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Bày tỏ ủng hộ đối với công việc của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc, ủng hộ tiến hành đối thoại thực chất, mang tính xây dựng về các vấn đề nhân quyền, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh nhân quyền không nên bị chính trị hóa để can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền hoặc để chỉ trích các quốc gia.

Báo cáo của EEAS thiếu khách quan

Báo cáo của EEAS cho rằng: “Tình trạng vi phạm các quyền dân sự và chính trị vẫn tiếp diễn. Đặc biệt lo ngại là mức độ nghiêm trọng của các hạn chế và kết án các trường hợp liên quan đến thực hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng và ngoài xã hội. Người dùng mạng xã hội ngày càng phải đối mặt với sự kiểm duyệt độc đoán khi chia sẻ những quan điểm mang tính chỉ trích. Chính phủ ép buộc các công ty truyền thông xã hội quốc tế lớn gỡ bỏ các tài khoản hoặc nội dung chỉ trích chính phủ, tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại. Cả năm 2020, một số blogger, nhà báo và những nhà hoạt động vì nhân quyền đã bị bắt, hoặc bị kết án, nhà nước tiếp tục kiểm soát các phương tiện truyền thông và hạn chế về quyền tự do ngôn luận cả trên mạng và ngoài đời thực”. Đây là nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định, tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người được Hiến định. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018. Cũng như việc “Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến”, “bảo vệ nhân quyền”. Như các quốc gia khác, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Quá trình điều tra, xét xử và giam giữ được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật; quyền của người bị giam giữ được bảo đảm” như khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lê Thị Thu Hằng.

Sẵn sàng hợp tác về nhân quyền

 Trong những năm qua, Việt Nam và EU luôn cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam và vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân và toàn xã hội. Việt Nam và EU trao đổi về cách tiếp cận, nỗ lực và thành tựu của mỗi bên trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việt nam và EU đều khẳng định các quyền con người có tính phổ quát, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và nên được xem xét một cách cân bằng. Hai bên nêu quan tâm chung về vấn đề bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Việt Nam và EU cũng đề cập vấn đề quyền con người tại các diễn đàn đa phương và khả năng hợp tác về quyền con người, trong đó có thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UPR) và các nghĩa vụ theo các công ước mà Việt Nam và các nước EU là thành viên. Đặc biệt, với sự thẳng thắn, trên cơ sở xây dựng, hợp tác giữa Việt Nam và EU về nhân quyền đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, tiêu biểu như: Dự án tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam (EU JULE), các dự án về thực hiện các công ước ILO trong bối cảnh Hiệp định EVFTA…

Với việc sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và làm sáng tỏ chính sách của Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan tới vấn đề dân chủ, nhân quyền, Việt Nam luôn mong muốn EU có cái nhìn khách quan, đánh giá đúng đắn những thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam trong vấn đề dân chủ, nhân quyền để quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ