A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tôn trọng lẫn nhau-Đối thoại và hợp tác-Bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người

 

QPTĐ-Đó là thông điệp của Việt Nam khi tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Trái với sự hoan nghênh của nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc, một số trang mạng ở nước ngoài lại xuyên tạc tình hình Việt Nam, phủ nhận những thành tựu nhân quyền của Việt Nam, vu cáo Việt Nam không có đủ năng lực để ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Tuy nhiên, những đóng góp xứng đáng của Việt Nam khi là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và những thành tựu to lớn của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người là minh chứng rõ nét khẳng định, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng là thành viên trách nhiệm, tích cực của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến nghiên cứu đề xuất gia nhập thêm 15 công ước của ILO nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Dấu ấn thành viên

Ngày 12/11/2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu kín bầu 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền cho nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã nhận được 184 phiếu ủng hộ (trên tổng số 193 nước bỏ phiếu), lần đầu trúng cử Hội đồng Nhân quyền với sự ủng hộ gần như tuyệt đối, cao nhất trong số 14 nước trúng cử.

Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, là minh chứng khẳng định tính đúng đắn trong đường lối, chính sách về quyền con người của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách nhất quán của ta là tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này. 

Được bầu vào Hội đồng Nhân quyền cũng là một thắng lợi quan trọng của Đối ngoại Việt Nam, thể hiện uy tín và vị thế cao của đất nước trên trường quốc tế nói chung và trong khuôn khổ Liên hợp quốc nói riêng. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động chống phá, vu cáo, xuyên tạc sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhằm làm giảm uy tín của nước ta, thậm chí còn công khai kêu gọi phản đối việc bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền.

Mặc dù là thành viên lần đầu tiên tham gia Hội đồng Nhân quyền nhưng Việt Nam đã thực sự chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, cùng các nước thành viên khác xử lý các thách thức chung của nhân loại trong lĩnh vực quyền con người. Việt Nam đã tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, tham vấn về các chủ đề khác nhau liên quan đến việc bảo vệ quyền con người, từ các nội dung liên quan đến quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển, quyền giáo dục, y tế, cho đến những vấn đề như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việt Nam đã có những đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền theo hướng ủng hộ cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, đáp ứng được quan tâm, lợi ích của nhiều bên, hướng tới đồng thuận. Việt Nam cũng luôn có phản ứng kịp thời trước các sự kiện nóng về nhân quyền trên phạm vi toàn cầu, tham gia vào các phiên họp khẩn cấp, các cuộc thảo luận về các tình hình khủng hoảng, vấn đề Nhà nước Hồi giáo IS, chủ nghĩa cực đoan, khủng hoảng di cư…

Hàng năm, Việt Nam đều có đoàn tham dự Hội nghị cấp cao thường niên của Hội đồng Nhân quyền. Đây là diễn đàn để chúng ta khẳng định thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam cũng như những đóng góp có trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề nhân quyền trên toàn cầu.

Việt Nam chính là điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền. Trong vai trò này, Việt Nam rất tích cực trong việc điều phối lập trường của các nước ASEAN ở Hội đồng Nhân quyền và thay mặt ASEAN phát biểu các đề mục ở Hội đồng này. Việt Nam cũng được chọn vào nhóm làm việc về tình hình. Đây là nhóm chuyên xem xét các kháng thư của các quốc gia. Việt Nam thay mặt cho tất cả các nước châu Á trong Hội đồng Nhân quyền đảm nhận nhiệm vụ này.

Hình ảnh tích cực của Việt Nam còn được thể hiện thông qua sự nghiêm túc trong thực hiện cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền. Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam không chỉ ở quá trình rà soát, báo cáo, đối thoại với các nước về tình hình nhân quyền Việt Nam, mà còn ở sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện các cam kết mà chúng ta chấp nhận. Trong đó, phải kể đến việc Việt Nam có kế hoạch tổng thể về thực hiện các khuyến nghị UPR mà chúng ta chấp nhận, nhằm bảo đảm sự phối hợp thông suốt, đồng bộ giữa các bộ, ngành trong quá trình thực hiện các cam kết.

Mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung

Ngày 22/2/2022, tại Geneva (Thụy Sỹ) , trong khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc theo hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thông báo việc Việt Nam, với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Thông tin này ngay lập tức được nhiều thành viên Liên hợp quốc hoan nghênh.

Việc lần thứ hai Việt Nam ứng cử tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thể hiện đường lối, định hướng phát triển của Việt Nam là hết sức đúng đắn, thể hiện ở chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định những chính sách phát triển về quyền con người, lấy con người làm trung tâm. Sự điều hành của Chính phủ Việt Nam cũng hết sức quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Trên cơ sở những nỗ lực, ý thức của người dân trong việc chấp hành, làm theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã kêu gọi, vận động người dân ủng hộ, tuân thủ chính sách, đồng thời đem lại quyền lợi cho người dân, bảo đảm quyền chính đáng của cộng đồng.

Ngày 2/3/2022, trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ)-sự kiện quan trọng nhất và ở cấp cao nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tái khẳng định mong muốn đóng góp của Việt Nam thông qua việc ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2023-2025 với thông điệp: “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và hợp tác. Bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.

Cụ thể, Việt Nam khẳng định sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.

Việt Nam quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới; bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng ưu tiên thúc đẩy quyền sức khỏe trong bối cảnh phòng chống đại dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm, quyền được có việc làm tử tế gắn với thực hiện SDGs, quyền giáo dục có chất lượng dựa trên công bằng về cơ hội và tiếp cận.

Có thể nói, việc ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 đã thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời nó cũng khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng để ứng cử vào tổ chức này.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ