A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại

 


QPTĐ-Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm, nó như một thứ vi trùng độc hại, tồn tại dai dẳng và luôn chờ cơ hội để trỗi dậy. Nếu cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) không biết cách phòng, tránh để mắc phải căn bệnh này sẽ đánh mất vai trò tiên phong của người cộng sản chân chính, bởi vì khi làm bất kỳ một việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của tập thể, của nhân dân; đây chính là nguy cơ làm suy yếu Đảng, giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng. 

Cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Biểu hiện và những tác hại 

CB, ĐV phải tích cực học tập, tự nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức năng lực, đồng thời làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh thực tiễn và kiểm soát được hành vi, biết vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống, làm tròn bổn phận vai trò tiên phong gương mẫu của mình. Nhưng thực tế, vẫn còn CB, ĐV ngại gian khổ, khó khăn, thích địa vị quyền hành, tham ô, lãng phí, coi thường tập thể, xa rời quần chúng, làm mất uy tín, nhân cách của người CB, ĐV. Nguyên nhân là do CB, ĐV sa vào chủ nghĩa cá nhân, không chịu khó tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không có tinh thần cố gắng học tập để tiến bộ, bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. 

Biểu hiện mà CB, ĐV mắc căn bệnh này thường mang trong lòng sự trắc ẩn, tâm tưởng hoài nghi, thiếu niềm tin hoặc không tin tưởng vào những người xung quanh mình, luôn có suy nghĩ ghen ghét, đố kỵ. Vậy nên, khi thấy bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí cấp dưới giỏi hơn mình về chuyên môn, nghiệp vụ, đạt được kết quả cao hơn trong công tác, nhất là khi được cấp trên ghi nhận thì tỏ ra khó chịu với thành tích người khác đạt được. Trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, những CB, ĐV này hay soi mói, dè bỉu, không công tâm, khách quan nhìn nhận, đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của đồng chí, đồng nghiệp mà còn tìm mọi cách lôi kéo những người có chung suy nghĩ, chung những uẩn ức như mình để cùng tìm cách cản trở mọi người xung quanh phấn đấu, tu dưỡng, vươn lên. Do tự cho mình có năng lực, trình độ cao hơn người khác, nên đối với những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì tập thể không may do yếu tố khách quan nào đó chưa đạt được hiệu quả công việc như mong muốn, bên ngoài thì tỏ vẻ thông cảm, thấu hiểu động viên, nhưng trong lòng lại hả hê, thỏa mãn trước thất bại của người khác. Nguy hiểm của căn bệnh chính là nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ. Nếu tổ chức Đảng nào tồn tại những CB, ĐV như thế, bầu không khí dân chủ luôn chứa đựng sự bất an, người tốt, người tài, người dám nghĩ, dám làm dễ bị soi xét, nghi ngờ, thậm chí bị vùi dập, dẫn đến mất niềm tin không dám nói thật, sống thật với nhau, gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ, tổ chức Đảng sẽ bị phân rã về tư tưởng và tổ chức, mất vai trò lãnh đạo.

Phác đồ điều trị hiệu quả

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở CB, ĐV phải ra sức đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xếp ngang bằng với kẻ thù trực tiếp của dân tộc là thực dân và đế quốc: “Có ba kẻ địch luôn chống lại chúng ta, đó là: Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; thói quen và truyền thống lạc hậu vì nó ngấm ngầm ngăn cản sự phát triển của cách mạng và sự tiến bộ của chúng ta; kẻ thù thứ ba chính là chủ nghĩa cá nhân, nó ẩn nấp trong mỗi chúng ta, nó chờ mỗi khi ta thất bại hoặc thắng lợi là ngóc đầu lên. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ thù kia”.

 Để phòng, chống và ngăn ngừa những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng cần gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) với thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Chú trọng làm tốt công tác giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho CB, ĐV, phát huy tốt dân chủ, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong chi bộ, Đảng bộ là hạt nhân cho khối đoàn kết của tập thể. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân chỉ thực sự có hiệu quả khi mỗi CB, ĐV hiểu rõ mục tiêu lý tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tiêu chuẩn, tư cách, đạo đức cách mạng của người CB, ĐV, làm cơ sở để phòng, chống và ngăn chặn, triệt tiêu các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. 

Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt quy định nêu gương, nói đi đôi với làm, công tâm, khách quan, dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo trong nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng CB, ĐV, bảo đảm công khai, đúng thực chất. Thường xuyên thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, đây là thứ vũ khí sắc bén để tổ chức Đảng và đảng viên đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân. Đối với CB, ĐV phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đạo đức cách mạng không phải là cái gì đó trừu tượng xa vời, mà rất cụ thể, bắt nguồn từ đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” ở trong mỗi chúng ta. Hằng năm, bên cạnh việc đăng ký cam kết phấn đấu, CB, ĐV phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, kiến thức năng lực toàn diện, tích cực tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thể hiện sự rèn luyện đạo đức cách mạng thông qua các hoạt động thực tiễn, sâu sát, gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu và kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Như vậy, mới giúp CB, ĐV xóa bỏ được chủ nghĩa cá nhân, vững vàng trong mọi hoàn cảnh, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ