A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác trước biểu hiện nguy hại của việc “hối lộ tinh thần”

QPTĐ- Thực tiễn đã chứng minh, trong công việc và cuộc sống hàng ngày, không ai có thể khẳng định tất cả những việc mình làm chỉ có đúng mà không có sai, chỉ có ưu điểm chứ không có khuyết điểm. Nên việc khen và chê giống như chất xúc tác giúp cho mỗi chúng ta biết lắng nghe, phân biệt “đúng, sai, thật, giả”, để sống có trách nhiệm hơn với công việc của mình, từ đó có hướng phát triển bản thân tốt hơn. Tuy nhiên, do mắc căn bệnh của thói a dua, xu nịnh, nên vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) đã sống thiên lệch, thích khen hơn chê, thậm chí còn “khen quá lời”, khiến cho người được khen dễ sinh ra tính kiêu ngạo, tự mãn, ngỡ mình là người tài ba, xuất chúng, ảo tưởng về hào quang của bản thân. Còn người khen chỉ quen nói lời có cánh, mà đánh mất đi tính phản biện, lập trường “đúng - sai” cần có của người CB, ĐV. Đây là biểu hiện suy thoái về đạo đức cần phải đấu tranh loại bỏ.

Tranh cổ động

Tác hại khi tuyệt đối hóa lời khen

Phản ứng tâm lý thông thường của con người khi được khen thì vui vẻ, sung sướng, ví dụ như “chị ấy, hoặc cô ấy trông xinh thế”, dù bề ngoài thực sự chưa tương xứng với lời khen, thế nhưng người phụ nữ được khen ấy sẽ rất vui, có khi cả ngày hôm đó chị sẽ dành nhiều thời gian để ngắm mình trong gương. Bởi  vì tâm lý chung của con người là thích nghe khen hơn chê, nghe khen dễ hơn là nghe chê. 

Thế nên, lời khen không chỉ là một trong những nghệ thuật giao tiếp để động viên, khích lệ nhau vươn lên trong cuộc sống mà còn là một phương thức giáo dục tinh tế, hiệu quả trong học tập, lao động, công tác. Đối với khen, điều quan trọng nhất là hiệu quả giữa người khen và người tiếp nhận lời khen như thế nào, nên đòi hỏi người khen phải có chuyên môn, am hiểu về lĩnh vực đó và công tâm, chân thành thì mới khen đúng được. 

Lời khen có hai loại, đó là lời khen tốt và lời khen xấu. Vậy nên, ông cha ta mới cảnh tỉnh, răn dạy con cháu rằng “Mật ngọt chết ruồi tươi”, bởi ai mà chẳng có lúc sai lúc đúng, do đó phải tỉnh táo để tiếp nhận lời “khen chê” cho phù hợp, tránh rơi vào ảo giác mơ hồ, mù quáng thích nghe những lời lẽ quyến rũ, giọng điệu ngọt ngào, giả dối của người khác thì tự mình sẽ sa vào tình thế nguy hiểm lúc nào không hay.

 Thực tiễn cũng đã chứng minh, trong cuộc sống cũng như thực thi công vụ của CB, ĐV cũng vậy, không phải chỉ có đúng mà không bao giờ sai, chỉ có ưu điểm mà không bao giờ có khuyết điểm, bởi vậy khen chê đúng mực là cần thiết để mỗi người nhìn nhận đánh giá khách quan, toàn diện để tự hoàn thiện bản thân hơn. Tuy nhiên, do mắc phải căn bệnh a dua xu nịnh, một số CB, ĐV đã không ngại cúi mình, sử dụng “chót lưỡi đầu môi”, bỏ qua phần “chê” mà tuyệt đối hóa lời khen, đã không tiếc lời tâng bốc đối tượng mà mình cần lên tận mây xanh, nhằm để đạt được mưu lợi cá nhân.

Biểu hiện cụ thể là, đối với cấp trên, những CB, ĐV này thường tỏ thái độ xun xoe, “nói vuốt đuôi” theo ý thủ trưởng, khen ngợi thủ trưởng trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, lúc nào cũng ngợi ca, trước mặt và sau lưng, nhằm để cho cấp trên tin tưởng và hiểu rằng, đồng chí ấy là người tâm phúc, tin cậy. Thậm chí là mọi thói quen, sở thích của cấp trên cũng được nghiên cứu rất kỹ, từ thói quen tốt đến thói quen xấu sẽ được ngợi khen tuốt tuột và chăm sóc chu đáo, mục đích cuối cùng của “khen ngợi quá lời” là chỉ cốt để làm đẹp lòng, “khen cho được việc”, lời khen mang tính chất “hối lộ tinh thần” nhằm mục đích cầu lợi cho cá nhân bản thân mình. 

Đến nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hiện nay, nếu tinh ý và chịu khó quan sát, lắng nghe thì trong các cuộc trò chuyện, chúng ta có thể thấy một hiện tượng là quần chúng thích nói ý tứ cho vừa lòng lãnh đạo, cấp dưới hay “vuốt ve” cấp trên, nhân viên ưa nói tốt về thủ trưởng, không có chính kiến phản biện khi thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh là rất phổ biến. Đây là một thái độ ứng xử không phù hợp với phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Soi chiếu vào lịch sử các triều đại phong kiến của dân tộc cho thấy, nếu ông vua, bà chúa, hay ông quan nào tỉnh táo, sáng suốt và kiên quyết lánh xa, loại trừ thói khen nịnh vờ vĩnh, giả tạo của một bộ phận quan nịnh thần thì giữ được tư thế, tác phong, nhân cách chân chính của bậc chính nhân quân tử, góp phần bảo đảm cho triều chính được uy nghiêm, sơn hà xã tắc được bình an. Ngược lại, những người ở ngôi cao chức trọng, nắm giữ nhiều quyền bính mà dễ ngả lòng, a dua, đắm chìm trong những lời bợ đỡ, ton hót thì dễ làm cho triều chính trở nên rối ren, mọi người sống nghi kỵ, oán thán lẫn nhau và khiến lòng dân thêm bất an, ly tán. 

Và thực tế cho thấy, những CB, ĐV, nhất là cán bộ có chức quyền mà luôn sống, sinh hoạt, làm việc trong sự bủa vây của những lời khen hào phóng, mỹ miều, giả tạo của những người xung quanh và cấp dưới, nếu không giữ được tư tưởng lập trường thì theo thời gian, họ rất dễ bị ảo tưởng về chính mình. Từ đó, sẽ nảy sinh thói gia trưởng, quan liêu, chuyên quyền, độc đoán. Đó cũng là tiền đề để hình thành “uy tín giả”, một “cái bẫy” có thể tự sụp đổ ngay dưới chân mình. 

Việc CB, ĐV bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự có xu hướng ngày càng tăng thời gian qua, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân chủ yếu chính là mắc căn bệnh “ảo tưởng” thích khen hơn chê, tự đề cao cái tôi cá nhân, trở thành những “ông vua, ông quan”, tha hóa quyền lực, tự cho mình là nhất, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở CB, ĐV.

 Phải giữ nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình

Khen là điều cần thiết, nhưng quan trọng là phải khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực, đúng đối tượng thì lời khen mới có giá trị. Còn nếu khen một cách tràn lan, gặp đâu khen đấy, khen không xuất phát từ tấm lòng chân thành, nhất là cấp dưới thường xuyên dành cho cấp trên những lời “mật ngọt” thì đó không phải là lời khen, mà thực chất là sự nịnh nọt, ton hót, một thái độ ứng xử không phù hợp với phẩm chất đạo đức cách mạng của CB, ĐV. 

Ngược lại, “chê” không hẳn là chỉ trích là ý xấu, mà chính là lời phê bình chân thành chỉ ra những tồn tại, hạn chế của bản thân mỗi người chưa nhận ra, sẽ giúp chúng ta nhanh chóng tiến bộ. Vậy nên, trong hội nghị của Bộ Chính trị cho ý kiến về nội dung Đại hội Văn nghệ vào sáng ngày 6/11/1962, khi bàn về chủ trương tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi thực tế dài hạn ở nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tán thành chủ trương và có những lời căn dặn quý báu đối với các văn nghệ sĩ đi thực hiện nhiệm vụ này: “… Khen, chê phải đúng mức. Khen nhưng khen quá lời, “suy tôn” người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục...”.

Thực tế cho thấy, có việc khen, chê không đúng mực, nguyên nhân chủ yếu là do còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình chưa triệt để, chưa nghiêm túc, nên phê bình một phần đã chuyển thành xu nịnh, làm biến dạng, vô hiệu hóa nguyên tắc vũ khí sắc bén của Đảng. Do đó, để khắc phục triệt để tình trạng này, thì trước hết là các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục coi trọng và duy trì  thường xuyên, nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình. 

Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, mỗi CB, ĐV cần thể hiện rõ tinh thần trung thực, thẳng thắn, công tâm, đồng thời bày tỏ thái độ trân trọng, bảo vệ cái đúng, cái tốt; phê phán kịp thời cái xấu, cái sai, kiên quyết đấu tranh loại bỏ thói xu nịnh, a dua, khen quá lời, sống ba phải, không có lập trường, chính kiến rõ ràng: “Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán, để góp phần vừa giữ vững và nâng cao kỷ cương, kỷ luật của tổ chức Đảng và xây dựng môi trường văn hóa giao tiếp, ứng xử lành mạnh trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. 

Đối với bản thân mỗi CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ trì cần phải giữ gìn đức tính khiêm tốn, giản dị, gần gũi, hòa đồng quần chúng để phân biệt rõ đâu là điều hay lẽ phải cần lắng nghe, coi trọng, đâu là lời khen vờ vĩnh, giả tạo cần tránh xa, loại bỏ, để không tự ảo tưởng về mình mà luôn có ý thức học tập, rèn luyện, bồi đắp những phẩm chất giá trị tích cực, nhân văn, nhằm không ngừng hoàn thiện nhân cách bản thân, sống giản dị, gần gũi với đồng chí đồng đội và quần chúng.

Nguyễn Văn Tuân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ