A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Quan liêu” căn bệnh nguy hiểm cần phải loại bỏ

 

QPTĐ-Tác hại của bệnh “quan liêu” là xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng nhân dân. Cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) mắc căn bệnh này, thường chỉ thích được khen, được tâng bốc, xu nịnh nhưng lại rất ghét ai thẳng thắn phê bình, chỉ ra những mặt còn thiếu sót, hạn chế của bản thân. Nguy hiểm hơn, đây chính là con đường tiệm cận, ngắn nhất dẫn đến CB, ĐV thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng.  

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, tích cực đấu tranh loại bỏ căn bệnh quan liêu.

Tác hại của bệnh quan liêu

CB, ĐV dù ở vị trí công tác nào, kể cả cán bộ công tác tại cơ sở, khi đã mắc căn bệnh quan liêu thì đều có chung một đặc điểm: Thiếu hiểu biết, lười biếng, nhận thức và hành động đều xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình; không lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân, sợ phê bình và tự phê bình, thiên về chủ nghĩa hình thức, chú trọng hình thức hơn so với nội dung hoạt động, coi thường thực chất công việc; làm việc qua loa đại khái, chỉ thích dùng mệnh lệnh, thích ngồi bàn giấy, phòng lạnh chỉ tay năm ngón, khép chặt cửa xây dựng kế hoạch, vạch đường hướng, đọc công văn, giấy tờ của cấp trên gửi xuống, mà không nghiên cứu, xem xét cụ thể tình hình thực tiễn. CB, ĐV mắc bệnh quan liêu thường mang đầu óc thủ cựu hay áp đặt ý kiến chủ quan cá nhân của mình, giỏi dùng lời nói lấp liếm cho những khuyết điểm, yếu kém của bản thân và đơn vị mình phụ trách. Khi được giao việc gì đều nghĩ  đơn giản, cho rằng dễ làm so với khả năng của mình nên không thèm nghiên cứu, dành thời gian xem xét xử lý để hoàn thành tốt hơn công việc mình đảm nhiệm. Chỉ khi công việc đòi hỏi phải giải quyết, lúc đó “nước đến chân mới nhảy”, dẫn đến xử lý nóng vội, đốt cháy giai đoạn, bắt thực tiễn chạy theo ý chí chủ quan của mình nên không phản ánh được lợi ích của tập thể, không thể hiện được ý chí của quần chúng nhân dân, thờ ơ, vô cảm với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng.

Vì vậy, nhiều vấn đề đơn giản nảy sinh từ thực tiễn như: Các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng nhưng cán bộ cơ sở không kịp thời nắm bắt và giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm, để tồn đọng lâu ngày tích tụ thành những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tạo nên những điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng. Điển hình như tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, chặt phá rừng ở Tây Nguyên. Cho nên, ở đâu mà tổ chức Đảng, CB, ĐV mắc bệnh quan liêu, thì ở đó sẽ không giữ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, sẽ có nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí.

 Tích cực đấu tranh phòng, chống bệnh quan liêu

Sớm nhận ra tác hại nguy hiểm của căn bệnh quan liêu nên vào dịp kỷ niệm 6 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”.  Mở đầu tác phẩm, Bác khẳng định: “Bệnh quan liêu mệnh lệnh là nguy hiểm, nhưng nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy. Biểu hiện của bệnh là "Miệng thì nói dân chủ, nhưng lối làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Còn V.I.Lênin cũng chỉ rõ: Kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta chính là bệnh quan liêu. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đánh giá: Thời gian qua, có những cán bộ thiếu kiểm tra, đôn đốc, không sâu sát, nắm chắc tình hình cơ sở, vì thế mắc vào “bệnh” xa quần chúng, bàn giấy… dẫn đến lý luận suông, xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với thực tế. Có thể thấy, bệnh quan liêu là nguyên nhân nảy sinh nhiều căn bệnh khác trong công tác lãnh đạo, quản lý cũng như trong đời sống xã hội. Bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Có nạn tham ô, lãng phí là vì có bệnh quan liêu. 

Để đấu tranh khắc phục bệnh quan liêu phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đối với  cấp ủy, tổ chức Đảng phải thường xuyên quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, bám sát thực tiễn cơ quan, đơn vị mình, đánh giá, nhận định đúng tình hình để xác định rõ những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, có chủ trương, biện pháp cụ thể, phù hợp với năng lực, trình độ tổ chức thực hiện của CB, ĐV. Chủ động quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, coi trọng kiểm tra, giám sát, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện để kịp thời có biện pháp khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu. 

Đối với những CB, ĐV là người chủ trì, đứng đầu cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch khoa học, triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ, nghiêm túc, quyết đoán, làm chủ được tình hình cơ quan, đơn vị, phân công trách nhiệm cho CB, ĐV dưới quyền phải rõ ràng, thường xuyên sâu sát bám nắm tình hình thực tiễn để đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời nhắc nhở, xử lý nghiêm các biểu hiện quan liêu, hách dịch, xa rời quần chúng. Còn đối với mỗi CB, ĐV phải tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, xây dựng cho mình tác phong làm việc sâu sát tỉ mỉ, gần gũi quần chúng nhân dân, chủ động giải quyết công việc thấu tình đạt lý, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. 

 VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ