CUỘC THI VIẾT NÉT ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SỸ THỦ ĐÔ
Cựu chiến binh xứ Đoài một thời cầm phấn
QPTĐ-Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tôi tìm gặp một số nhà giáo-chiến sĩ là người Hà Nội từng một thời cầm súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị nào, nhận nhiệm vụ gì, họ luôn là minh chứng sống cho sự nhiệt huyết, hết mình: Khi có chiến tranh, họ sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc; khi đất nước hòa bình, mang trên vai trách nhiệm “người giáo viên nhân dân”, tận tâm với sự nghiệp “trồng người”. Trong đó có nhà giáo nghỉ hưu Phùng Văn Hải, thị xã Sơn Tây, là CCB Việt Nam! Sống trung thực, ghét sự giả dối! Yêu thơ ca.
CCB Phùng Văn Hải vẫn tiếp tục sự nghiệp trồng người và tích cực tham gia các CLB thơ xứ Đoài.
Năm 1959, chàng trai Phùng Văn Hải học xong lớp 7, được đi học sư phạm 10+2, ra trường về dạy tại trường Trần Phú, thị xã Sơn Tây. Vào ngành giáo dục, liên tục là giáo viên dạy giỏi, nhiều năm là Chiến sĩ thi đua. Năm 1966, trong không khí sục sôi đánh Mỹ, thầy Hải xung phong vào bộ đội; chiến đấu kiên cường trên mặt trận, được phong tặng “Dũng sỹ vượt Trường Sơn” “Dũng sỹ diệt Mỹ” cấp 2 và 3. Năm 1970 do bị thương, sức khỏe yếu, thầy Hải được chuyển ra miền Bắc, trở về gia đình, số 17 đường Thuần Nghệ, phường Quang Trung, thị Xã Sơn Tây-Hà Nội. Khi sức khỏe hồi phục, thầy lại được nhận về trường Trần Phú tiếp tục đứng trên bục giảng cho đến năm 1990 mới nghỉ hưu. Cũng chính ký ức từ những ngày dạy bổ túc cho đồng đội nơi chiến trường đã thôi thúc thầy Hải về hưu tiếp tục dạy miễn phí cho các cháu vào những dịp hè. Cho đến nay học trò của thầy có người đã là tướng, tá, giáo sư, tiến sĩ…
Trong chiến dịch chống Covid-19, thầy Hải tích cực tuyên truyền vận động gia đình, các hội viên cựu giáo chức, CLB thơ ca Sơn Tây và học trò luôn thực hiện tốt Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ và thông điệp 5K; góp phần không nhỏ để khu dân cư cho đến thời điểm này an toàn tuyệt đối với dịch bệnh.
Cựu chiến binh-thương binh-thầy giáo Phùng Văn Hải còn tích cực tham gia các CLB thơ xứ Đoài, hiện là Trưởng ban thơ CLB hưu trí thị xã, thành viên CLB thơ nhà giáo Việt Nam và CLB thơ CCB. Một ngày nếu không viết tặng bạn bè, học trò, thầy như thấy thiếu điều gì đó. Trong rất nhiều tác phẩm của thầy có thể kể đến như: “Nhớ trường xưa”, với những câu thơ “Giật mình tóc đã pha sương/Ngỡ là bụi phấn còn vương mái đầu/Giở trang giáo án tươi màu/Nhớ về trường cũ đậm sâu ân tình/Nhớ bao nhiêu lớp học sinh…”, rồi “Tháng 7 mùa vu lan”, với “Đời đâu ước được mẹ ơi ! Sinh già, tử bệnh lẽ đời khó qua/Phúc nhà mình mãi nở hoa/Là nhờ tiên tổ mẹ cha tháng ngày…”.
Mỗi khi đến ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị lớn của đất nước, mà đặc biệt ngày thành lập QĐNDVN, Ngày Thương binh-Liệt sĩ, thầy Hải đều làm thơ, rồi gửi tới các đồng đội, học trò trên facebook. Thơ của thầy từng được nhận giải thơ hay từ các CLB thơ xứ Đoài. “Cứ đến ngày 3/8-Ngày giải phóng thị xã, tôi lại nhớ về thời thơ ấu của mình: "Thấm thoắt mà đã 67 năm. Ngày ấy (3/8/1954) chúng tôi tuổi vừa mới lớn, chạy ra đón bộ đội giải phóng! Trung thu năm ấy, trời đẹp, trăng rất sáng. Sân đình làng tôi vui đón Trung thu cùng các chú bộ đội giải phóng. Tôi nhớ mãi, một chú bế tôi phát biểu cảm tưởng! Ngày ấy, hồn nhiên vô tư quá. Một kỷ niệm đẹp chẳng thể phai mờ”, thầy Hải bộc bạch.
Nhìn thầy tuổi ngoài bát thập vẫn cứ vui khỏe cùng gia đình hạnh phúc, vợ hiền con thảo, vẹn nguyên cho đến hôm nay, các đồng đội và trò của thầy đều mừng thầy sống vui sống khỏe, làm đẹp cho đời, cho quê hương xứ Đoài. Thầy kể cho tôi nghe: “Tôi có cô em gái tên là Phùng Thị Thủy, sinh năm 1952 là liệt sỹ TNXP, hy sinh năm 1972 trong một trận tàn phá dữ dội của máy bay Mỹ. Năm 1987, gia đình tôi đưa được hài cốt của em gái tôi về quê trước sự đón tiếp trang nghiêm và thương xót của chính quyền địa phương phường Quang Trung và nhân dân làng Thuần Nghệ, thị xã”.
Trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc, có rất nhiều người như thầy giáo Phùng Văn Hải đã tham gia phục vụ quân đội, trực tiếp cầm súng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã để lại một phần xương máu ở chiến trường, còn khi hòa bình lập lại, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người chiến sĩ- thầy giáo tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp "trồng người", quý lắm thay!
Điều đáng nói, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngoài ủng hộ quỹ giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, thầy còn làm thơ động viên nhân dân cả nước chung tay chống dịch như chống giặc. Có những vần thơ của thầy khiến tôi, bạn bè, đồng đội, gia đình và học trò của thầy rất thích như tác phẩm “Ở nhà để chống dịch”: "Sợ con Vi rút nó luồn/Tuổi già sơ sẩy mang nguồn bệnh lây...Thế nên cứ ở yên nhà/Vui cùng cháu chắt đậm đà tình thân".
Minh Nguyệt