A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dân quân Tuy Lai với chiến công bắn rơi máy bay Mỹ

 

Xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức nằm kề bên cung núi Hoành Sơn hiểm trở bao quanh. Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nơi đây giữ một vị trí chiến lược quan trọng về quân sự. Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang (LLVT) xã Tuy Lai đã có những trận đánh đạt hiệu suất cao thì trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dựa vào thế núi, dân quân xã Tuy Lai đã chiến đấu bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ, bắt sống phi công, xứng đáng là đơn vị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 

 

Tuy Lai trên đường đổi mới.

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với đóng góp trên 50 tấn lương thực, thực phẩm, xã Tuy Lai đã có 246 thanh niên nhập ngũ chiến đấu trên các chiến trường, trên 300 người tham gia phục vụ trong các chiến dịch. Ở hậu phương có trên 980 người tham gia du kích, cùng toàn dân rào làng trên 13.000 mét, đào đắp 14.000 m3 đất đá làm hào giao thông, công sự chiến đấu và 278 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Quân và dân Tuy Lai đã đánh 53 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 471 tên địch, gọi hàng và bắt sống gần 100 tên, trong đó có 4 sỹ quan Pháp, thu 49 súng các loại. Điển hình là trận chống càn ngày 28/8/ 1953, LLVT Tuy Lai đã đánh bại một tiểu đoàn lính Âu Phi, diệt 215 tên, thu nhiều chiến lợi phẩm, là một trong những trận đánh đạt hiệu suất cao ở huyện Mỹ Đức, được Bộ Tư lệnh Quân khu Ba biểu dương khen thưởng.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Tuy Lai đều thực hiện vượt mức chỉ tiêu lương thực, thực phẩm từ 150% trở lên, đồng thời 36 đợt tuyển quân có 996 gia đình lần lượt  tiễn đưa 1.422 thanh niên nhập ngũ, 178 thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Ở hậu phương, Tuy Lai có 2 đại đội dân quân biên chế cho bốn trận địa phòng không, một trung đội cơ động tăng cường cho các trận địa Tế Tiêu, Ba Thá và một trung đội bạch đầu quân.

 

 Ông Nguyễn Văn Khương, nguyên Trung đội trưởng dân quân xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức kể lại: “Bên kia cung núi Hoành Sơn thuộc đất tỉnh Hoà Bình có các cơ quan và mục tiêu quân sự nên địch thường xuyên đánh phá. Bên này, lực lượng dân quân chúng tôi biên chế có bốn trung đội với 30 súng trường K44, trong đó có 3 trận địa trên các ngọn núi Trọc, núi Cối, hang Đình, từ trên cao quan sát được 4 phía, sẵn sàng bắn máy bay Mỹ từ các hướng bay vào oanh tạc khu vực Mỹ Đức và Thủ đô Hà Nội. Hưởng ứng phong trào thi đua bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh do huyện Mỹ Đức phát động, các trận địa trực chiến suốt cả ngày đêm, vừa lao động sản xuất lại vừa thay nhau cơ động lên đỉnh núi trực chiến cũng rất gian truân, nhưng cán bộ, chiến sĩ dân quân vẫn không nề gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày 6/11/1965, từ 8 giờ sáng, nhiều tốp máy bay Mỹ quần thảo trên vùng trời Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hoà. Đến 10 giờ 20 phút, hai chiếc AD6 từ phía tỉnh Hoà Bình lách qua Quèn Sem tới Cổ Yếm bay theo hướng Nương Ngái qua hồ Tuy Lai. Đúng như phương án tác chiến đã được luyện tập, chờ cho máy bay quay lại vào tầm ngắm, được lệnh, cả ba trận địa đồng loạt nổ súng, chiếc máy bay bay trước trúng đạn bốc cháy lao qua hồ Tuy Lai rồi rơi xuống ven đường làng Quýt Giữa. Chiếc thứ hai chưa kịp gây tội ác hốt hoảng nâng độ cao quay đầu tẩu thoát. Trận đánh diễn ra mau lẹ nhưng hiệu quả vô cùng to lớn, hạ một máy bay phản lực, bắt sống một phi công Mỹ”.

 

Bà Đinh Thị Hồng thì kể lại: “Lúc bấy giờ tôi là Xã đội phó xã Tuy Lai, đang chỉ huy đắp ụ súng, củng cố trận địa mặt đất thì nghe trên núi súng nổ giòn giã, nhìn thấy máy bay bốc cháy và tên phi công Mỹ nhảy dù rơi xuống cánh đồng. Tôi huy động ngay lực lượng vây bắt phi công, trong đó tôi, anh Khương và đặc biệt là có cả em Kéo (lúc bấy giờ còn là thiếu niên) nhanh chóng tiếp cận, trực tiếp bắt trói tên đại úy phi công Mỹ Bơn-xtớt dẫn giải về trụ sở xã bàn giao cho cơ quan quân sự huyện Mỹ Đức. Cho đến ngày nay, ôn lại truyền thống đánh Mỹ, chúng tôi rất đỗi tự hào vì thành tích của dân quân Tuy Lai không những được Bộ Tư lệnh Quân khu Ba, tỉnh Hà Tây khen thưởng mà còn củng cố niềm tin vào súng bộ binh và khả năng làm chủ bầu trời tầm thấp của dân quân tự vệ, đồng thời xã tôi cũng là một tấm gương của phong trào thi đua bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh cho lực lượng dân quân các địa phương khác noi theo”.

 

Trong thời bình, phát huy truyền thống Anh hùng, Tuy Lai không ngừng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo môi trường thuận lợi để nhân dân đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Toàn xã có gần 20 trang trại lớn nhỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp từ 58 tỷ đồng năm 2010 lên trên 150 tỷ đồng năm 2015. Mặt khác, cùng với việc duy trì làng nghề mây tre đan, Tuy Lai đã có nhiều hộ tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, kinh doanh dịch vụ dưới nhiều hình thức, đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm từ 34% năm 2010 lên gần 50% năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 21 triệu đồng/năm, thực hiện được 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu được công nhận là xã nông thôn mới trong năm 2016. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương. Cùng với thực hiện tốt công tác tuyển quân, lực lượng dân quân xã chiếm 1,15% dân số, trong đó có 19% là quân nhân xuất ngũ. Thực hiện xuất sắc công tác quốc phòng, quân sự địa phương để Tuy Lai ngày càng đổi mới, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu mạnh, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà Chủ tịch nước đã trao tặng.

 

Vũ Xuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội