A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LLVT Thủ đô phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” xây “pháo đài của Đảng” trong thế trận lòng dân-Bài 2

Bài 2: Đề cao trách nhiệm xóa bỏ nguy cơ hình thành “điểm nóng”

 

QPTĐ-Để kịp thời phát hiện, đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” (DBHB) của các thế lực thù địch, lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ đô đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân Thành phố, phát huy tốt phương châm tại chỗ “lấy xây để chống” trong nhận diện, đấu tranh loại bỏ những âm mưu thâm độc; một trong những cách thức, biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực, đó là làm tốt chức năng “đội quân công tác”, tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân. Từ đó tạo dựng thế trận, lập vành đai an toàn, đấu tranh rộng khắp, từng bước làm lộ diện và vô hiệu hóa mọi thủ đoạn chống phá; xóa bỏ nguy cơ hình thành “điểm nóng”, ổn định yên dân ngay từ cơ sở.

Chung tay vượt khó, gắn bó giúp dân

Thực tiễn cho thấy, những tình huống bất ngờ, gây mất ổn định đối với an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Thủ đô, thường khởi nguồn từ các vấn đề như ô nhiễm môi trường, tranh chấp đất đai, an ninh nông thôn… do các thế lực thù địch rỉ tai, xúi giục, kích động, tạo dư luận xấu để người dân bức xúc, đi khiếu kiện mới hình thành “điểm nóng”, sự kiện Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức; hay sự việc xảy ra ở khu vực bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn là một ví dụ điển hình.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường nắm bắt, dự báo đúng tình hình thực tế của từng địa phương, nhất là những vấn đề tranh chấp liên quan đến đất quốc phòng đang nổi lên và một số nơi đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm công tác dân vận, giúp dân. Với tinh thần “Ở đâu dân khó, là ở đó có bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô”, thể hiện rõ ý chí, quyết tâm phía trước là nhân dân. Đại tá Lưu Nam Tiến, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định: “Dù phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, có thể phải hy sinh cả tính mạng, nhưng để giúp dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô không kể ngày đêm, sẵn sàng xông pha có mặt ở tất cả những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm nhất, để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân Thủ đô”.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT Ban CHQS huyện Mỹ Đức giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ.

Điều đó được chứng minh, càng trong gian khó, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô càng tỏa sáng; thực tiễn sinh động là thời gian qua, khi thiên tai, dịch bệnh hoành hành, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô đã bất chấp gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng lao vào tâm bão, rốn lũ, những nơi dịch bệnh bùng phát nguy hiểm nhất để giúp đỡ nhân dân. Không chỉ trong thiên tai, dịch bệnh mà trong cuộc sống hàng ngày, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô vẫn ngày đêm gần dân, hiểu dân, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo luôn hiện hữu, thường trực. Tiểu biểu thông qua Phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới” và Phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, mỗi năm, LLVT Thủ đô đã tổ chức hàng chục đợt hành quân về với nhân dân, huy động 6.100 lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ, đóng góp 50.000 ngày công lao động giúp đỡ nhân dân 265 xã, phường, thị trấn trên toàn Thành phố, làm sạch cảnh quan môi trường, tu sửa nâng cấp 234 công trình ghi công liệt sĩ, trường học, nâng cấp 80km đường giao thông nông thôn; nạo vét 97.000 m2 diện tích ao hồ bị ô nhiễm, 108km kênh mương, công trình thủy lợi; xây dựng 62 nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 6.559 hộ gia đình khó khăn; tổ chức 400 buổi nói chuyện thời sự, cho 27.000 lượt cán bộ, hội viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn Thành phố nhân dịp lễ, tết với số tiền hàng năm gần 10 tỉ đồng; tặng 763 sổ tiết kiệm cho thanh niên nhập ngũ có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho 5.624 lượt thanh niên lên đường nhập ngũ, với số tiền 11.123.921.000đ. 

Phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới... thể hiện tình cảm truyền thống gắn bó sâu nặng giữa quân đội với nhân dân”.

 

Đồng chí Đỗ Trung Hai, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức cho biết: “Phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới” không chỉ giúp Mỹ Đức phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn thể hiện tình cảm truyền thống gắn bó sâu nặng giữa quân đội với nhân dân”.

 
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Ban CHQS huyện Mê Linh tu sửa công trình nghĩa trang liệt sĩ.

Còn theo Thượng tá Nguyễn Đăng Toản, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Bộ binh 301 chia sẻ: "Đợt dân vận giúp dân, cái “được” lớn nhất đối với chúng tôi không chỉ góp phần giúp đỡ nhân dân xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, mà còn giúp nhân dân nắm và hiểu hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bản chất, hoạt động chống phá, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, phản động, để nhân dân nhận thức rõ, không nghe theo lời rỉ tai, xúi giục của các thế lực thù địch, phản động đi biểu tình, khiếu kiện gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời có nhiều giải pháp tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý hiệu quả nguy cơ “điểm nóng” phát sinh ngay từ cơ sở”.

Tích cực đưa tôn giáo đồng hành cùng dân tộc 

Thời gian qua, cơ bản các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Thành phố về tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều chức sắc, chức việc có uy tín được bầu vào các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, với âm mưu thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong chiến lược DBHB, các thế lực thù địch đã núp bóng dưới vỏ bọc “tự do tôn giáo”, để kích động và tiến hành các hoạt động chống chính quyền, chống phá Đảng, Nhà nước và Thủ đô. Lý giải vấn đề này, đồng chí Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: “Do thiếu thông tin hoặc do những định kiến nhất định nên vẫn có một bộ phận nhỏ chưa hiểu đúng về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, bị các thế lực thù địch, các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo”.

Ban CHQS huyện Thanh Trì tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các chức sắc, chức việc trên địa bàn huyện.

Nhận thức rõ vị trí ý nghĩa của công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (QP&AN) có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy và nêu cao tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, chống lại mọi âm mưu chia rẽ, phản động của các thế lực thù địch. Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tham mưu với Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP&AN. Từ đó, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là các chức sắc, chức việc tôn giáo đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, chỉ đạo Hội đồng giáo dục QP&AN các quận, huyện, thị xã tổ chức mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đội ngũ chức sắc, chức việc. Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cho biết: “Các chức sắc, chức việc tôn giáo có vị trí rất quan trọng trong kết nối, vận động tín đồ chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật với phương châm “tốt đời đẹp đạo”, không ngừng nêu cao cảnh giác trước âm mưu, luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Ban Tôn giáo Thành phố luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, mời tám tôn giáo trên địa bàn Thủ đô rà soát, lập danh sách hàng trăm chức sắc, chức việc tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN do Bộ Tư lệnh Thủ đô và Bộ Quốc phòng tổ chức”.

Đại tá Bùi Văn Tuấn, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Thủ đô (áo xanh thứ 5 từ bên trái sang) trao Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các chức sắc, chức việc trên địa bàn Thành phố.

Kết quả từ năm 2020 đến tháng 4 năm 2023, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã mở được 983 lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho 103.385 người, thuộc đối tượng 2,3,4 và chức sắc, chức việc tôn giáo; 1.214.550 học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn Thành phố. Hòa thượng Thích Tuệ Nguyên, Trụ trì chùa Keo, huyện Gia Lâm cho biết: “Thông qua các lớp học bồi dưỡng kiến thức QP&AN, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm động viên, khích lệ các sư sãi và tín đồ phật tử tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội lành mạnh ở địa phương; giúp các chư tăng, phật tử nhận rõ luận điệu xuyên tạc, phá hoại mối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương”. Còn theo Mục sư Vũ Tuấn Anh, Quản nhiệm Hội thánh tin lành Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Tổng hội thánh tin lành Việt Nam miền Bắc cho biết: “Kiến thức QP&AN mới giúp chúng tôi hiểu rõ hơn âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch và các đối tượng xấu, từ đó nâng cao cảnh giác cách mạng, sinh hoạt tôn giáo ổn định theo đúng pháp luật”.  Nhờ đó mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô luôn được giữ vững, hoạt động của các tôn giáo đi vào nền nếp, sinh hoạt của các chức sắc, tín đồ tôn giáo tuân thủ theo quy định của pháp luật, tin tưởng vào đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, phát huy tốt tinh thần “gắn bó, đồng hành cùng dân tộc”.

Nguyễn Văn Tuân

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ