A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người sống mãi với non sông Việt Nam

 

QPTĐ-Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành, khi hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Dù đã 52 năm Bác kính yêu đi xa nhưng với câu chuyện kể về những lần sinh nhật Bác giúp chúng ta càng hiểu rõ hơn về một nhân cách lớn với niềm tự hào được là con cháu của Người. 

Bác Hồ với thiếu nhi Thủ đô. (Ảnh: Tư liệu)

Tấm gương sáng về phong cách sống giản dị, khiêm tốn

Lần kỷ niệm đầu tiên Ngày sinh Bác Hồ là vào sáng 19-5-1946 tại Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô và hơn năm mươi đại biểu Nam bộ đến chúc mừng ngày sinh của Bác. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”. Cũng chính ngày này, lực lượng thanh niên Thủ đô đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ. Trong lời phát biểu đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác nói: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay, tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc…”. 

Bác luôn từ chối việc tổ chức mừng sinh nhật mình. Năm 1949, Bác có bài thơ ”Không đề” trả lời ý kiến một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật mình: “Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà/Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già/Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”. Còn nhiều câu chuyện xung quanh những lần sinh nhật Bác, như vào dịp này năm 1963, Người đề nghị Quốc hội không nhận Huân chương Sao vàng: “… Chờ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao tôi Huân chương cao quý ấy. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ. Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, Lãnh tụ tối cao của Đảng, trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị, đó là bản chất của người đầy tớ của nhân dân. Nhân cách và sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Bác Hồ trở nên cao đẹp và là tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người cao đẹp nhất. 

Những lần sinh nhật sau này chỉ là những lời chúc mừng giản dị, cho đến năm 1965, trong tháng sinh nhật mình Bác bắt đầu viết Di chúc. Năm 1969, sinh nhật Bác diễn ra giản dị và đầm ấm như mọi lần, nào ai ngờ được đó là ngày sinh nhật cuối cùng của Bác kính yêu.

Tâm hồn bác ái và khát vọng tự do cho nhân loại

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc vĩ đại, bởi vì, Người là người Việt Nam đầu tiên đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam, con đường cách mạng vô sản. Người sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bao cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại. Phong trào cứu nước của nhân dân Việt Nam đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Bằng sự mẫn cảm chính trị và qua tìm hiểu thực tiễn cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua hạn chế của các bậc tiền bối, là người đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đỉnh cao của văn hóa nhân loại, tìm ra con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam-cách mạng vô sản, đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ đó, Người mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời, cũng mở ra con đường giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Nguyễn Ái Quốc đã rút ra chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”. Không chỉ kế thừa, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn góp phần phát triển học thuyết của V.I Lênin về cách mạng thuộc địa, làm sáng tỏ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; đưa ra luận điểm về tính chủ động của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và khẳng định sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng nỗ lực của bản thân các nước thuộc địa. Hơn thế nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm: Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể tiến hành trước, và thắng lợi của nó sẽ “giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”.

Là một vĩ nhân đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thế kỷ XX, từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị (1919), đến khi từ biệt thế giới này (1969), sự kính trọng, ngưỡng mộ, đánh giá cao của nhân loại đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề thay đổi. Hàng năm, vào ngày 19 tháng 5 hàng triệu trái tim người Việt Nam và bạn bè khắp thế giới lại bâng khuâng tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh-Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, gương mẫu, học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.

Nguyễn Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ