Nhớ thời tiếng hát át tiếng bom
Nhắc đến Đoàn Văn công Quân khu I, nhiều người sẽ nhớ ngay đến những văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Nhà thơ Hoàng Cầm; các nghệ sĩ Văn Chung, Nguyễn Đức Toàn, Xuân Hòa; các nhà thơ Bàng Sỹ Nguyên, Ngô Linh Ngọc, Thanh Tịnh; nhạc sĩ Nguyễn Lầy, Tuấn Long…Họ là lứa đầu và cũng là những người chủ chốt của Đội Tuyên truyền văn học nghệ thuật-tiền thân của Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc-Đoàn Văn công Quân khu I ngày nay.
Tốp nữ hát then, đàn tính.
Được thành lập ngày 31/10/1947, có thể nói Đoàn Văn công Quân khu I là Đoàn hoạt động văn hóa-nghệ thuật đầu tiên không những của lực lượng vũ trang mà còn của cả nước. Theo lời kể lại của cố nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, những ngày đầu thành lập, các nghệ sĩ của Đội tự sáng tác và biểu diễn những ca khúc như “Vào Đông Khê” của nhạc sĩ Văn Chung; kịch “Lá cờ năm xưa” của Hoàng Cầm; “Độc tấu chống Pháp” của Thanh Tịnh hay “Quê em miền trung du” của chính nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn...
Không chỉ biểu diễn phục vụ trong các tỉnh thuộc Quân khu mà còn biểu diễn phục vụ các tỉnh lân cận. Bài hát “Vào Đông Khê” của nhạc sĩ Văn Chung được sáng tác và biểu diễn trong thời điểm đấy. Trong chiến dịch tiễu phỉ ở Lào Cai năm 1952, Đội đã kết hợp với văn công Trung đoàn 148 phục vụ quân, dân trong chiến dịch. Năm 1954, để chuẩn bị tiến về giải phóng Thủ đô, một bộ phận văn công của Đội đã sáp nhập với Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Cũng trong năm này, Đội tiến hành củng cố thành viên với 30 đồng chí, tiếp tục nhiệm vụ biểu diễn phục vụ quân dân các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Vĩnh Yên, Phú Thọ; phục vụ chiến dịch tiễu phỉ vùng Đông Bắc. Sau này, giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Đoàn Văn công đã tích cực tuyên truyền, đấu tranh trên mặt trận văn hóa, tư tưởng,
Nhạc sĩ-đạo diễn Tuấn Long, nguyên Phó đoàn trưởng còn nhớ như in chuyến đi biểu diễn phục vụ chiến dịch tiếp quản vùng mới giải phóng, khôi phục kinh tế, củng cố chính quyền và tiễu phỉ vùng Đông Bắc của Đội diễn ra với tinh thần hào hứng, khẩn trương. Ông kể, ngay khi nhận được Chỉ thị của Quân khu, tháng 11-1955, chỉ sau một ngày chuẩn bị, chúng tôi đã lập tức lên đường đi Quảng Yên. Hành quân qua các tỉnh với quãng đường khoảng 200km, sau 5 ngày liên tục mới đến điểm tập kết.
Dù anh em rất mệt nhưng chúng tôi chỉ nghỉ ngơi một ngày rồi đêm hôm đó biểu diễn luôn. Chương trình diễn ra ở Quảng Yên thành công rực rỡ. Bởi lẽ, đấy là lần đầu tiên nhân dân các dân tộc ở thị xã mới được giải phóng thưởng thức văn nghệ, mà lại là văn nghệ quân đội. Nhiều tiết mục ca múa, nhạc kịch, dân ca được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Những tiết mục ấy được chúng tôi mang đi lưu diễn gần 3 tháng trên rất nhiều địa danh thuộc khu Đông Bắc như: Hoành Bồ, Ba Chẽ, Chúc Bài Sơn, các đảo Cát Bà, Cái Bầu, Vĩnh Thực, Bạch Long Vĩ…trên hàng nghìn cây số phục vụ hàng trăm nghìn khán giả là đồng bào các dân tộc Kinh, Thanh Phán, Tày, Nùng, Hoa…Trên đường biểu diễn, anh em nam nữ diễn viên, cán bộ, chiến sĩ đều ra sức khắc phục khó khăn gian khổ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, động viên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Ca sĩ, NSƯT Trần Tựa, Trưởng BLL CCB Văn công khu vực Hà Nội kể rằng, dù đã về với cuộc sống đời thường nhưng những CCB trong Đoàn Văn công vẫn vẹn nguyên tình đồng đội. Chưa kể ngày gặp mặt truyền thống (31-10) mỗi năm thì các CCB văn công Hà Nội vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau. Năm 2016, Hội CCB Đoàn Văn công đã có một hành trình đầy ý nghĩa từ Hà Nội-Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định, tìm về thăm một số đồng đội CCB.
Đoàn gồm 5 người toàn là ông già, bà cả trên dưới 80 tuổi chống gậy đi thăm hỏi lẫn nhau. Là những ông Tuấn Long, Bùi Gia Tường, Đàm Tài, Trần Tiệp, Nha Cao đến thăm các ông Lê Vân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Thành, Vũ Át. Những chuyện xưa của chặng đường 70 năm về trước và chuyện nay với bữa cháo, bữa cơm, với tai lành, tai điếc…vì tuổi tác nhưng trên hết là sự lạc quan, vui sống của các nghệ sĩ. Có lẽ, chất lính năm xưa hòa cùng chất nghệ sĩ nên tâm hồn họ mới sáng trong, vô tư, lạc quan đến vậy.
Ngày hôm nay, bản doanh của Đoàn Văn công Quân khu I đã về Hà Nội, NSƯT, Đoàn trưởng Dương Thị Kim Ngân cùng Ban chỉ huy Đoàn đang tất bật chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đoàn. Thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay đã và đang tiếp bước truyền thống nghệ thuật của cha ông phát huy sáng tạo đổi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc âm hưởng Việt Bắc Thủ đô gió ngàn-nơi 70 năm qua có một đoàn văn công như thế.
DUY MINH