A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CUỘC THI VIẾT NÉT ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SĨ THỦ ĐÔ

Cựu chiến binh khát vọng vươn lên làm giàu.

 

QPTĐ-Về thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, hỏi thăm cựu chiến binh (CCB) Tạ Văn Sỹ, ai cũng biết, bởi ngoài sở hữu ngôi nhà khang trang nhất làng, ông còn từng trải qua hai lần nhập ngũ. Bằng giọng nói sôi nổi, ông kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm trên chiến trường và trong sinh hoạt đời thường. Qua đó, chúng tôi cảm nhận rõ hơn tinh thần anh dũng trong chiến đấu cũng như khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của người CCB năm xưa. 

Năm 1972, chiến trường rực lửa, thanh niên Tạ Văn Sỹ xung phong lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 919 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Sau huấn luyện tân binh, Tạ Văn Sỹ được đào tạo chuyên ngành thông tin và trực tiếp phục vụ tại sân bay Gia Lâm. Thời điểm này, Không quân Mỹ đánh phá các sân bay ác liệt nhất. Trước yêu cầu nhiệm vụ, ông được chuyển về sân bay Nội Bài, biên chế vào Đại đội Thông tin 22, trực tiếp phục vụ chiến đấu. Tháng 4/1975, quân ta chiếm đóng sân bay Biên Hòa, ông tham gia nhiệm vụ tiếp quản sân bay. Đất nước thống nhất, tháng 10/1977, ông xuất ngũ trở về địa phương. Gần 1 năm sau đó (tháng 8/1978), tình hình biên giới phía Bắc diễn biến phức tạp. Với tinh thần của người lính sẵn sàng ra trận khi Tổ quốc cần, Tạ Văn Sỹ lại xung phong nhập ngũ lần 2. Điều đáng nói, ở đâu và làm gì ông cũng tỏ rõ tinh thần quả cảm của người lính Bộ đội Cụ Hồ, không chùn bước trước hiểm nguy, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau những ngày nằm chốt, tình hình biên giới ổn định, tháng 9/1980, ông xuất ngũ.

Trở về đời thường, trong bối cảnh chung của đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, gia đình ông cũng không tránh khỏi những khó khăn, thiếu thốn. Là người trụ cột trong gia đình, ông phải tự bươn trải với nhiều nghề. Ông bồi hồi:  “Khi đó, tôi đã suy nghĩ, thời thanh niên sôi nổi, mình gắn bó với màu xanh áo lính, trở về với đời thường, nếu không tranh thủ phấn đấu vươn lên làm giàu thì chẳng mấy chốc già yếu. Cái nghèo, cái khó sẽ đeo bám suốt đời”. Nghĩ là làm, ban đầu, ông đi làm thuê đủ các nghề vừa lao động phổ thông để kiếm thêm thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm. Sau khi có chút vốn liếng, ông quyết định đầu tư lĩnh vực bất động sản. Một ngành nghề chứa đựng đầy may rủi. Nhiều khi tưởng như mất trắng, thế nhưng nhờ kiên trì, không ngại khó khăn và làm đến đâu ông tích lũy thêm những kinh nghiệm và “bài học” xương máu đến đó nên cơ hội dần đã mở ra.

Theo ông Sỹ, vào thời kỳ đất nước mở cửa, các khu công nghiệp được hình thành. Đặc biệt, Khu công nghiệp Nội Bài được xây dựng ngay trên đồng ruộng quê ông. Bằng sự nhanh nhạy, ông Tạ Văn Sỹ đầu thư mua sắm ô tô tải nhận vận chuyển nguyên vật liệu cho các công ty. Thu được lợi nhuận, ông tiếp tục đầu tư mua sắm thêm nhiều phương tiện vận tải. Đến nay, ông đã thành lập Công ty TNHH Vận tải Thương mại Hưng Thịnh Phát, với hơn 100 xe vận tải cỡ lớn, chuyên chở hàng cho các nhà đầu tư nước ngoài chạy khắp Bắc, Trung, Nam. Doanh thu hàng năm lên tới hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, ông còn tạo việc làm cho hơn 100 lao động, với thu nhập trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn đầu tư thêm xưởng mộc, xưởng cơ khí với các loại máy hàn, máy tiện nhập khẩu hiện đại, thu hút thanh niên địa phương vào làm việc. Gắn bó nhiều năm với xưởng cơ khí của ông Sỹ, anh Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1978), Phân xưởng trưởng sửa chữa ô tô bộc bạch: “Trong thời điểm khó khăn về việc làm, ông Sỹ đã giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi và nhiều anh em khác ở địa phương có công việc phù hợp với trình độ, chuyên môn. Bên cạnh đó, tại xưởng của mình, ông Sỹ còn chỉ đạo những thợ có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp, giúp đỡ những người chuyên môn thấp ít kinh nghiệm, góp phần giúp anh em thợ nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của công việc. Nhờ có việc làm thường xuyên, mức thu nhập ổn định nên cuộc sống gia đình của những người thợ cũng bớt khó khăn, ngày càng phát triển hơn”.

Không dừng tại đó, từ thành công trong kinh doanh, ông Tạ Văn Sỹ còn hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều gia đình trong thôn về vốn để phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi và các tổ chức chính trị tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng thôn Xuân Bách cho biết: “Là chủ doanh nghiệp kinh doanh phát đạt, uy tín, ông Tạ Văn Sỹ luôn có trách nhiệm đối với các hoạt động của địa phương. Không chỉ tạo việc làm, doanh nghiệp của ông Sỹ còn đi đầu trong công tác xã hội, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp ủng hộ các chương trình thiện nguyện. Với phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, ông Sỹ luôn mẫu mực về đạo đức, lối sống và trở thành người có uy tín trong cộng đồng dân cư”. 

Cuộc sống hiện tại thành công nhưng ông không bao giờ quên những năm tháng chiến tranh gian khổ. Lúc nào ông Sỹ cũng đau đáu tưởng nhớ đồng đội, những người đã hy sinh để có cuộc sống hòa bình hôm nay. Vì thế, ông tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh. Ngoài thời gian làm việc, ông có những chuyến đi thăm hỏi, giúp đỡ đồng đội năm xưa, nhất là những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Cựu chiến binh Tạ Văn Sỹ chia sẻ: “Mỗi năm một lần, Hội Cựu chiến binh Đại đội Thông tin 22, Sân bay Nội Bài lại tổ chức gặp mặt. Tuy mỗi người có một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng tình đồng chí, đồng đội vẫn vẹn nguyên như trong những năm gian khó. Thời gian đồng đội gắn bó bên những cánh bay sẽ mãi không phai phờ trong ký ức những người lính già chúng tôi”.

TRẦN ANH
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ