A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng áp lực kiểm soát an ninh toàn cầu?

 

QPTĐ-Phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ D.Trump (21/5) tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST). “Nga đã không tuân thủ hiệp ước. Vì vậy, cho đến khi họ tuân thủ, chúng tôi sẽ rút khỏi hiệp ước”-Ông D.Trump nói. Và Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo đã chính thức thông báo cho Nga vào ngày 22/5 về kế hoạch trên của Mỹ. Theo đó, động thái này sẽ có hiệu lực trong vòng 6 tháng và Mỹ có thể “cân nhắc lại việc rút khỏi hiệp ước nếu Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước”. Vậy Hiệp ước OST có nội dung gì? 

 

 

Một máy bay của Nga thực hiện chuyến bay giám sát trong khuôn khổ hiệp ước Bầu trời mở.


Tháng 3/1992, OST được ký kết tại Helsinki (Phần Lan), có hiệu lực từ năm 2002; hiện có 35 nước tham gia, bao gồm Mỹ, Nga, Canada, EU, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo OST, lực lượng không quân của các bên tham gia có thể thực thi các chuyến bay trên lãnh thổ các quốc gia khác để theo dõi các hoạt động quân sự, nhằm duy trì tuân thủ các thảo thuận kiểm soát vũ khí, xây dựng lòng tin giữa các nước thành viên. Các nước có quyền tiến hành các chuyến bay trinh sát quân sự không vũ trang trên không phận của nhau nhưng phải thông báo trước 72 giờ để nước chủ nhà có thời gian phản hồi. 


Trong các năm 2014-2016, Nga thực hiện 4-6 chuyến bay/mỗi năm do thám trên bầu trời Mỹ, Canada và Mỹ, EU cũng có các chuyến bay tương tự. Khi Nga trinh sát trên đất Mỹ luôn có khoảng 7-10 nhân viên an ninh, tình báo Mỹ tháp tùng trên máy bay để duy trì Hiệp ước. Sau đó, Mỹ tỏ ra lo ngại khi Nga đề xuất sử dụng các thiết bị công nghệ mới trên máy bay Tu-214R và Tu-214ON do thám Mỹ, Canada. Mỹ lo ngại, mất đi ưu thế tuyệt đối trong việc thu thập dữ liệu tình báo chiến lược so với Nga. Tuy nhiên, OST vẫn được duy trì trên lãnh thổ Nga, Ukraine, EU kể từ năm 2014. 


Trước đó (6/2017), Mỹ chính thức cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của OST bằng việc hạn chế các chuyến bay qua Kaliningrad-vùng đất thuộc Nga trên biển Baltic, nơi được cho là Moskva bố trí dày đặc các loại vũ khí tấn công hạt nhân có khả năng phủ kín lãnh thổ châu Âu? Đáp lại, Mỹ tuyên bố, hạn chế các chuyến bay quan sát của Nga trên khắp nước Mỹ kể từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, tháng 8/2018, khi ký ban hành Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm 2019, Tổng thống D.Trump đã cắt khoản chi cho OST. Vậy là, dưới thời Tổng thống D.Trump, OST đã bị rạn nứt ngay từ những tháng đầu tiên ông D.Trump ngồi vào Nhà Trắng. 


Theo giới chuyên môn, dường như Mỹ quan ngại việc Nga đã sớm nâng cấp máy bay do thám “Bầu trời mở” (thế hệ Tu-lắp camera kỹ thuật số cải tiến từ năm 2013) sẽ tạo ra lợi thế hơn cho Moskva trong khi Washington còn khá chậm chễ trong việc cải tiến để có các máy bay trinh sát kỹ thuật công nghệ cao. 


Nhưng dường như đó chỉ là cái cớ. Thật ra, Mỹ muốn hủy OST để buộc Nga quay trở lại bàn đàm phán. “Rất có khả năng chúng tôi sẽ đưa ra một thỏa thuận mới hoặc làm gì đó để khôi phục hiệp ước. Tôi nghĩ, việc sắp xảy ra là, chúng tôi sẽ rút khỏi hiệp ước và họ sẽ quay lại đàm phán, mong muốn một thỏa thuận”-Tổng thống D.Trump nhận định. 


 Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga A.Grushko khẳng định, nước này luôn tuân thủ nghĩa vụ của mình trong tất cả các hiệp định quốc tế, trong đó có OST. Tướng Evgeny, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu an ninh quốc tế (trụ sở ở Moskva) cho rằng: “Họ có thể làm bất cứ điều gì đằng sau chứng sợ Nga. Họ có thể tự bắn vào chân hay đầu mình?” và dự báo, có nguy cơ Mỹ hủy Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) Nga-Mỹ ký năm 2010, hết hiệu lực vào tháng 2/2021? 


Theo Hiệp ước START, mỗi bên chỉ được phép sở hữu tổng cộng không quá 800 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược, trong khi số đầu đạn hạt nhân mỗi bên giới hạn không quá 1.550. Hiệp ước cũng yêu cầu Mỹ và Nga phải trao đổi thông tin về kho vũ khí hạt nhân. Hiện, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ việc hai bên sẽ gia hạn START mới?


Việc thế giới lo ngại về các hiệp ước về vũ khí giữa Nga và Mỹ có nguy cơ hủy bỏ không phải không có cơ sở. Tháng 12/2018, Mỹ đơn phương tuyên bố, hủy Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ (ký tháng 12/1987, có hiệu lực từ 1/6/1988) đưa châu Âu vào thế làm “con tin”, kích động cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung, tầm ngắn (từ 500-5.500 km). Trước đó (10/2018), Tổng thống D.Trump cáo buộc Nga chế tạo tên lửa Novator 9M729, vi phạm INF? Moskva lên tiếng bác bỏ! 


Thời gian qua, mối quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng không chỉ dừng lại ở xung đột thương mại, trên biển Đông, dịch Covid-19 mà chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa trỗi dậy, kỳ vọng mở rộng quyền lực thay thế vai trò của Mỹ trên toàn cầu, khiến Nhà Trắng quan ngại. Hiện, Trung Quốc có khoảng 300 vũ khí hạt nhân. Mỹ kỳ vọng, sẽ có một hiệp ước vũ khí hạt nhân chiến lược (New START) Nga-Trung-Mỹ, bất chấp Trung Quốc từ chối?


Ngày 22/5, Khối quân sự NATO họp khẩn tại Brussels (Bỉ) đánh giá hệ quả tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Cuối ngày 22/5, Ngoại trưởng 11 nước châu Âu gồm Đức, Pháp, Bỉ, Italy, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Séc, Thụy Điển, Luxembourg họp, ra Thông báo chung, bày tỏ sự nuối tiếc khi Mỹ rút khỏi OST; đồng thời, sẽ tiếp tục đối thoại với Nga dựa trên các thỏa thuận giữa các đồng minh trong EU, NATO; giải quyết việc xóa bỏ lệnh cấm bay qua Kaliningrad.


Giới chuyên gia nhận định, Tổng thống Mỹ đã nóng vội khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước OST. Việc này sẽ kéo theo Nga cũng rút khỏi OST, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh châu Âu. Nhiều Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ phản đối hành động trên của ông D.Trump. “Quyết định của chính quyền rút Mỹ khỏi OST là một cú tát vào mặt các đồng minh châu Âu, đặt lực lượng của chúng ta triển khai tại đây vào mối đe dọa. Quyết định này sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia, khiến Mỹ bị cô lập”-Thượng nghị sĩ Mỹ A.Smith nói.


NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ