A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thăm Ninh Hiệp anh hùng

 

QPTĐ-Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, đập tan âm mưu mở rộng vùng chiếm đóng của địch. Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, Ninh Hiệp vươn mình trở thành điểm sáng tiêu biểu về xây dựng nông thôn mới của huyện Gia Lâm.

 

 

Nói chuyện truyền thống tại chùa Nành-Di tích cách mạng kháng chiến của xã Ninh Hiệp.

 

Giai đoạn 1940-1942, chùa Nành, xã Ninh Hiệp là khu an toàn vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ về ở và làm việc. Nơi đây đã bảo vệ an toàn cho các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thụ, Lê Quang Đạo về chỉ đạo cách mạng. Hiện nay, chùa đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Di tích cách mạng kháng chiến. Chùa trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống để người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ thêm tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng của cha ông.


Năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân xã Ninh Hiệp đã tiến hành chuẩn bị về mọi mặt, cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hiệp cho biết, từ năm 1946 đến năm 1954, nhân dân và LLVT xã đã kiên cường bám đất, bám dân, xây dựng làng, xã chiến đấu. Đội tự vệ xã được thành lập gồm 72 người, được trang bị 40 mã tấu, 3 khẩu súng trường, một số lựu đạn, được huấn luyện bài bản.

 

Ở mỗi thôn đều có đội du kích. Trong 8 năm đã phối hợp với bộ đội địa phương chiến đấu hơn 100 trận, phá hủy 3 đồn bốt, 5 xe cơ giới, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, trang bị. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn Ninh Hiệp ở gần những mục tiêu quan trọng như: Cầu Đuống, ga Yên Viên, tổng kho A nên trở thành trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác phòng không nhân dân được thực hiện khẩn trương, lực lượng dân quân phòng không được củng cố, tăng cường trực chiến, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh bại các cuộc tập kích, bắn phá của địch. Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, Ninh Hiệp đã tiễn đưa hàng nghìn thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu. 


Tính chung trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, toàn xã Ninh Hiệp có 6 mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; hàng nghìn cá nhân, tập thể được tặng thưởng huân chương, huy trường, bằng khen các loại; 149 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường để bảo vệ độc lập-tự do cho Tổ quốc.


Bước vào thời kỳ đổi mới, Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, được Đảng ủy, UBND xã Ninh Hiệp triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo ra những bước chuyển căn bản, vững chắc trên mọi lĩnh vực. Đồng chí Lâm Tiến Bắc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ninh Hiệp chia sẻ: “Phát huy ngành nghề truyền thống về kinh doanh vải may mặc, quần áo, chế biến thuốc, giai đoạn 2018-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của địa phương đạt 13 đến 14%. Năm 2019, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt gần 46 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/người/năm. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng cơ bản, khang trang. 5 trường học trên địa bàn đều được công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia; 9/9 thôn được công nhận “Thôn Văn hóa”; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Hiện nay, số tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 15/19 tiêu chí”. 


Ninh Hiệp hiện nay là xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, các công trình phúc lợi từ điện, đường, trường học, trạm y tế đều được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Sự xuất hiện của nhiều ngôi biệt thự với kiến trúc đẹp, càng cho thấy sự giàu có của người dân nơi đây. Chú trọng sản xuất, kinh doanh, nhân dân cũng không quên giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp, xây dựng tình làng, nghĩa xóm gắn bó keo sơn, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Mạnh Quang-Hải Yến

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ