A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ tuyên bố rút binh sĩ đồn trú tại Đức?

 

QPTĐ-Hãng Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ (5/6) cho biết, Tổng thống D.Trump đã chỉ đạo Lầu Năm Góc rút 9.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức trong vòng 3 tháng tới. 

 

 

34.500 lính Mỹ hiện đang đồn trú tại Đức.       

             
Quyết định bất ngờ trên của Ông chủ Nhà Trắng gây phản ứng trái chiều trong giới chính trị hai nước và Khối quân sự NATO. Bởi việc duy trì lực lượng thường trực Mỹ tại Đức, kể từ sau Thế chiến II, được xem là một phần trong cam kết hiện diện quân sự lâu dài không chỉ giữa hai nước thành viên chủ chốt NATO (Đức-Mỹ) mà còn thể hiện tính liên kết sức mạnh nội khối chống lại các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài, “chống lại âm mưu xâm lược của Nga” với châu Âu. 


Hiện, Mỹ có khoảng 251.300 nhân viên quân sự, dân sự đóng tại 800 căn cứ ở 160 nước, chi ngân sách năm tài khóa 2020 là 24,4 tỉ USD, chưa kể chi phí cho các hoạt động chiến đấu. Mỹ có 34.500 binh sĩ đóng tại 172 căn cứ quân sự trên đất Đức, trong đó, có căn cứ không quân Ramstein rộng lớn ở Tây Đức, cứ địa hậu cần quan trọng trong khu vực, bảo đảm cho các hoạt động tác chiến ở Afghanistan, Trung Đông; đồng thời, Bộ Tư lệnh châu Phi (Mỹ) cũng đặt trụ sở tại TP Stuttgart (Đức). Tại Đức, còn có các kho dự trữ vũ khí chiến lược của Mỹ, kể cả vũ khí hạt nhân. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống D.Trump (8/6), Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc duy trì một khối NATO mạnh mẽ trong một thế giới ngày càng cạnh tranh”. 


Là một Tổng thống có những quyết định táo bạo, bất ngờ, đề cao chính sách “Nước Mỹ trên hết”, thế giới đã chứng kiến hàng loạt các tuyên bố gây sốc của ông D.Trump kể từ khi vào Nhà Trắng (1/2017), liên quan đến Khối NATO và Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống D.Trump không hài lòng với việc Đức không chi đủ 2% GDP/năm cho ngân sách quốc phòng và thường xuyên hối thúc các nước thành viên NATO phải chi đủ 2-4% GDP/năm cho quân sự, bao gồm việc phải mua vũ khí Mỹ. Ông D.Trump kêu gọi các nước chia sẻ gánh nặng ngân sách quân sự mà Mỹ phải bỏ ra hàng trăm tỉ USD/năm để bảo vệ an ninh cho châu Âu? Không dưới một lần, ông D.Trump dọa, Mỹ sẽ rút khỏi NATO? Tổng thống Mỹ áp lệnh cấm vận lên Nga và các đối tác triển khai Dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” cấp 55 tỉ m3 khí/năm từ Nga sang Đức và châu Âu, bỏ qua nguồn cung khí hóa lỏng của Mỹ. 


Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ tuyên bố, rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để phản đối Trung Quốc; rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) Nga-NATO, sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ và cho rằng, G-9 đã lỗi thời nhưng không nhận được sự ủng hộ của EU mà trụ cột là Đức, Pháp. 


Nếu năm 2019, Mỹ chi ngân sách quốc phòng 716 tỉ USD thì năm 2020 tăng lên 738-750 tỉ USD, trong khi nợ công 23.000 tỉ USD (11/2019), tăng 3.000 tỉ USD trong 3 năm ông D.Trump cầm quyền (2017-2019). Viện Nghiên cứu IISS (Mỹ) thông tin, từ năm 2018, Mỹ chi hơn 36 tỉ USD/năm cho quốc phòng châu Âu, trong khi ngân sách quốc phòng toàn bộ đồng minh châu Âu tại NATO là 239,1 tỉ USD. NATO có tổng ngân sách quân sự 1.000 tỉ USD (năm 2020) tăng lên 1.100 tỉ USD (năm 2021). Với khoản ngân sách quốc phòng khổng lồ này, Đức, Anh, Pháp khó có thể bù đắp nổi nếu không có Mỹ, trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

 
Việc Tổng thống Mỹ đòi châu Âu phải bỏ tiền trả Mỹ bảo vệ an ninh đã gây tranh cãi trong các nước thành viên NATO, khiến Tổng thống Pháp E.Macron và Thủ tướng Đức A.Markel đi đến thỏa thuận thành lập Lực lượng quân sự châu Âu để “giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ”? Tổng thống D.Trump đã chỉ trích gay gắt hành động này của Berlin và Paris. Gần đây, Ba Lan chi hàng chục tỉ USD mua máy bay chiến đấu, xe tăng, tên lửa Mỹ; sẵn sàng nhận hàng ngàn binh sĩ Mỹ cùng các vũ khí hạng nặng đồn trú và hào phóng chi trả hơn 2 tỉ USD cho nước Mỹ càng thôi thúc Nhà Trắng tính toán khoản tiền bảo vệ an ninh. 


Mỹ có 28.500 binh sĩ đóng tại 83 căn cứ ở Hàn Quốc, 38.000 binh sĩ đóng tại 113 căn cứ trên đất Nhật Bản, được Nhà Trắng đưa ra con số phải chi trả là 5 tỉ và 8 tỉ USD/năm. Hàn Quốc mới chấp nhận trả 1 tỉ USD/năm và 200 triệu USD trả lương cho 4.000 nhân viên người Hàn làm việc năm 2020. Mỹ nhắc nhở Đức, tính toán trả lương 20.000 người làm việc trong các căn cứ Mỹ và được Berlin đưa ra con số 0,7 triệu người xứ Cờ hoa đang được các công ty Đức tạo cho việc làm? 


Tuần qua, Thủ tướng Đức A.Markel từ chối họp Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Mỹ trong tháng 6 bởi “dịch Covid-19”, cùng lúc Tổng thống D.Trump nói: “G-7 đã lỗi thời” và mời thêm 4 nước: Nga, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc tham gia kỳ họp vào tháng 9, khiến các thành viên G-7 bất bình! 


Phản ứng trước việc Mỹ tuyên bố rút 9.500 binh sĩ, Ngoại trưởng Đức H.Maas “ghi nhận sự việc” Mỹ rút quân và “lấy làm tiếc” về quyết định này của Tổng thống D.Trump. Ông N.Rottgen, chính trị gia Đảng CDU Đức nói: “Việc rút quân như vậy là điều đáng tiếc xét từ mọi góc độ”; trong khi lãnh đạo Đảng cánh tả Đức D.Bartsch lại hoan nghênh quyết định này. “Chính phủ Liên bang nên chấp nhận điều đó với sự biết ơn. Điều đó sẽ mang lại thêm lợi ích là tiết kiệm hàng tỉ tiền thuế, vì sẽ không cần thiết phải mua thêm máy bay chiến đấu mới”.


Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh T.Ellwoad cho rằng, “đây là trò chơi nguy hiểm, mang lại lợi ích cho Nga”. Cựu Phát ngôn viên NATO-Giáo sư Đại học Exeter nhận xét: “Tôi thấy nhiều thiệt hại hơn là lợi ích, vì dù cho quân đội đóng ở đâu Mỹ vẫn phải chi ngân sách để trả cho lực lượng này”. Thủ tướng Ba Lan M.Morawiecki kỳ vọng “một số binh sĩ Mỹ ở Đức, rút về sẽ được chào đón ở Ba Lan”. 


Tuy có những phản ứng trái chiều nhưng các nhà hoạch định chính sách Mỹ, Đức và châu Âu đều nhất trí rằng, quan hệ Mỹ-Đức mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong khi Mỹ là nền kinh tế số 1 toàn cầu thì Đức là quốc gia đông dân nhất châu Âu, là đầu tàu kinh tế châu lục và cũng là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ; đặc biệt (từ 1/6), Đức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EU trong vòng 6 tháng cuối năm 2020. 


HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ