A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài toán GDP

 

QPTĐ-Theo công bố của Tổng cục Thống kê về số liệu kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm 2021, GDP ước tăng 5,64%, tốc độ tăng gấp ba lần mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. Con số này thấp hơn mức tăng 7,05% và 6,77% của các năm 2018 và 2019, nhưng tương đương hai năm 2016 và 2017-thời điểm không có dịch Covid-19. Riêng trong quý II, GDP ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 và gần bằng tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là đợt dịch bệnh thứ tư được xác định từ cuối tháng 4 đến nay tập trung ở các khu công nghiệp lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương với những diễn biến phức tạp, khó lường đặt ra nhiều thách thức, rủi ro. Con số tăng trưởng là kết quả sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch; thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. “Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng 5,64%, là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp”-Tổng cục Thống kê đánh giá.

Tuy nhiên-cũng theo Tổng cục Thống kê-bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, kinh tế-xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế. Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, cùng với đó là nghiên cứu để chủ động được nguồn vắc-xin trong dài hạn, tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Nghị quyết đã đưa ra 5 mục tiêu và 9 nhiệm vụ giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124 của Quốc hội và Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ Tài chính chủ trì, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với sự chỉ đạo kịp thời, sát thực của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mục tiêu  phấn đấu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững, đem lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho đất nước sẽ thành hiện thực.

Hữu Văn
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ