A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một năm nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine

QPTĐ-Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chạm mốc 1 năm tròn (kể từ 24/2/2022) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mục đích của chiến dịch quân sự đặc biệt được Moskva tuyên bố nhằm “phi phát xít hóa”, “phi hạt nhân hóa” chính quyền Kiev, bảo vệ dân thường Nga ở vùng miền Đông Donbass; ngăn Ukraine gia nhập khối NATO. 

Xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt. 

Ảnh: Internet


Trước khi xung đột xảy ra, giới chính trị phương Tây dự báo, Nga sẽ chiếm được thủ đô Kiev, buộc chính phủ nước này phải chấp nhận thua trận trong vòng 30 giờ nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Điện Kremlin chỉ yêu cầu Ukraine trở thành quốc gia trung lập, chứ không có ý định thay đổi chế độ chính trị ở nước này.

Hiện, chiến sự vẫn đang diễn ra vô cùng ác liệt ở miền Đông, điểm nóng là thành phố Bakhmut. Ngày 14/2, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc D.Polyanskiy nói với báo chí, Nga coi thành phố Bakhmut là chìa khóa để đạt được mục tiêu mà Tổng thống V.Putin đề ra khi mở chiến dịch quân sự. Mục tiêu chính của chiến dịch quân sự này là kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass ở Ukraine. “Tôi biết rằng, không thể kiểm soát Donbass nếu không giành được Bakhmut, tôi hiểu đó là một trong những mục tiêu chính của chiến dịch quân sự đặc biệt”-Ông D.Polyanskiy nói. 

Bakhmut là một thành trì, có các đường hầm kéo dài và những công sự kiên cố, là một phần trong tuyến phòng thủ nhiều tầng của Ukraine. Chiếm được Bakhmut, Nga sẽ gây áp lực mạnh lên Kramatorsk và Sloviansk-các thành trì kiên cố chủ chốt của Kiev ở thủ phủ Donetsk, từ đó kiểm soát hoàn toàn Donetsk. Như vậy, Nga có cơ hội kiểm soát toàn bộ 4 tỉnh mới sáp nhập: Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, kéo dài một dải đất biên giới mở rộng từ miền Đông xuống bán đảo Crimea. Ukraine không những mất đi một vùng đất đai rộng lớn mà mất cả quyền tiếp cận biển Azon. 

Tuyên bố với báo chí, Tổng thống Ukraine V.Zelensky cho biết, quân đội Ukraine sẽ  bảo vệ đến cùng thành trì Bakhmut. Đây là một phần trong chiến thuật mới của Kiev nhằm làm tiêu hao sinh lực của Nga trước khi tiến hành một cuộc phản công lớn. Trái lại, Mỹ và phương Tây lại hối thúc Kiev thay đổi chiến lược, thay vì cố thủ Bakhmut, nên tập trung nguồn lực để giành lại các vùng lãnh thổ đã mất, có tầm quan trọng hơn. 

Đại diện Thường trực Nga tại Liên hợp quốc V.Nebenzya cáo buộc Ukraine đã trở thành một đơn vị quân sự trực thuộc khối NATO do Mỹ chỉ huy, khi Kiev tiếp nhận nguồn vũ khí, khí tài, tài chính của phương Tây và NATO. Trong vòng 1 năm qua, Kiev đã được NATO viện trợ quân sự, nhân đạo hơn 120 tỉ USD, trong đó viện trợ quân sự của Mỹ hơn 30 tỉ USD, các nước NATO khác hơn 13 tỉ USD vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Phát biểu báo chí sau cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng khối, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg (15/2) tuyên bố: “Chúng tôi nhiều lần nói rằng, Ukraine sẽ gia nhập NATO. Nhưng bây giờ, chúng tôi tập trung vào việc bảo đảm chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến như một quốc gia có chủ quyền. Họ cần có được vũ khí, vật tư và đạn dược cần thiết để đẩy lùi Nga”. 

Trên thực tế, các kho vũ khí của Kiev đã cạn kiệt sau 1 năm xung đột. Các binh sĩ Ukraine đang chiến đấu bằng các loại vũ khí thời Liên Xô và tiếp nhận vũ khí, đạn dược, hậu cần, nguồn tài chính của phương Tây. “Ukraine đang thực hiện sứ mệnh của NATO dù Kiev chưa phải là thành viên chính thức của liên minh. Ukraine đang đổ máu cho NATO, vì NATO”-Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine O.Reznikov nói.

Gần chục năm qua, sau Cách mạng Maidan năm 2014, Ukraine thực hiện chính sách “bài Nga, thân Mỹ”, theo đuổi mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thậm chí Kiev đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào hiến pháp. Điều này mâu thuẫn với “lằn ranh đỏ” của Moskva, Ukraine sát nách Nga, phải là quốc gia trung lập, không gia nhập NATO. 

Tại cuộc họp báo ở Brussels cùng các Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ M.Miley (15/2) cho biết: Khối đã hỗ trợ số vũ khí hạng nặng đáng kể cho Kiev bao gồm xe tăng, hệ thống phòng không, đạn dược, trong đó 11 nước cam kết chuyển xe tăng, 22 nước cam kết gửi xe chiến đấu bộ binh, 16 nước cung cấp đạn dược, 9 nước chuyển pháo phòng không. NATO chưa tính đến máy bay chiến đấu theo yêu cầu của Kiev. 

Đáp trả các động thái của NATO, Người phát ngôn Điện Kremlin D.Peskov (14/2) tuyên bố: “NATO là một tổ chức thù địch với chúng tôi. Họ đang khẳng định sự thù địch này mỗi ngày và đang cố gắng làm cho sự can dự của họ vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine ngày càng rõ ràng hơn. Tất cả cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang hoạt động chống lại Nga”. Vì vậy, Nga phải có các biện pháp đề phòng nhất định. 

Đáp lại kêu gọi của Moskva về hòa đàm chấm dứt xung đột, chính quyền Kiev đưa ra điều kiện, Nga phải rút hết binh sĩ, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, kể cả bán đảo Crimea và vùng Donbass. Đó là điều khiến Nga khó chấp nhận.

Cuộc xung đột Ukraine kéo theo cuộc chiến cấm vận liên tiếp, kéo dài của Mỹ, EU, phương Tây áp lên Nga, cũng là nguyên cớ gây ra khủng hoảng năng lượng châu Âu. Tuyên bố EU về việc đoạn tuyệt dầu mỏ, khí đốt của Nga đã có hiệu lực. EU, G7 áp giá trần dầu Nga, trong khi Nga phản đòn, không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tuân thủ lệnh áp trần giá dầu của Nga.  

Ngày 14/2, Ủy ban quan hệ quốc tế (Quốc hội Nga) phê duyệt kiến nghị yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc điều tra vụ nổ đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc 1 và 2) trên biển Baltic từ Nga sang Đức xảy ra hồi tháng 9/2022. Nga gọi là “một hành động khủng bố quốc tế”, “một hành vi phá hoại khủng khiếp” và kêu gọi Liên hợp quốc trừng phạt những đối tượng ra lệnh cũng như đối tượng thực hiện hành vi, gây tổn thất dài hạn đối với kinh tế, an ninh và môi trường khu vực.

Đáng quan tâm, nhà báo Mỹ S.Hersh (ngày 8/2) viết trên trang blog Sabstack: “Hồi tháng 6/2022, thợ lặn Hải quân Mỹ đã lợi dụng cuộc tập trận BALTOP-22 của NATO để cài thuốc nổ điều khiển từ xa dưới đường ống Nord Stream. Các vụ nổ xảy ra sau đó 3 tháng đã phá hủy 3 ống dẫn”. 

Bất ngờ Mỹ lại sa vào vụ kiện quốc tế, gây tổn hại lợi ích của Nga và châu Âu.

Nhật Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ