A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẵn sàng hộ đê, chống lũ trong mùa mưa bão

QPTĐ-Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2020, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra, huyện Gia Lâm đã triển khai nhiều phương án, giải pháp cụ thể, kết hợp tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện hiệu quả phương án “4 tại chỗ” và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ.

Kiểm tra phương tiện, vật tư cho nhiệm vụ phòng chống tiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở Ban CHQS huyện Gia Lâm.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”

Theo thống kê của Phòng Kinh tế, UBND huyện Gia Lâm, năm 2019 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 trên địa bàn huyện đã xảy ra ngập úng cục bộ ở một số điểm như Bát Tràng, thị trấn Yên Viên, thị trấn Trâu Quỳ; diện tích hoa màu bị ảnh hưởng khoảng 520ha; hơn 20 cây xanh bị đổ. Qua đó cũng rút ra nhiều bài học trong công tác PCTT-TKCN, trong đó việc nâng cao năng lực chỉ đạo, dự báo tình hình, cần có giải pháp cụ thể vận dụng triệt để theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Về lực lượng, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện và UBND các xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, các đội dân phòng, an ninh tham gia công tác PCTT-TKCN gồm hơn 12 nghìn người, trong đó các lực lượng tại chỗ gồm: Lực lượng quân sự, lực lượng công an, Bệnh viện đa khoa, trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế các xã, thị trấn, Đoàn thanh niên, lực lượng xung kích và xung kích tập trung, dân quân tự vệ, canh đê, quản lý đê nhân dân.

Trước mùa mưa lũ năm 2020, UBND huyện đã giao cho Phòng Kinh tế, Hạt Quản lý đê số 6, Xí nghiệp Đầu tư và phát triển thủy lợi Gia Lâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, dụng cụ, vật tư phục vụ công tác PCTT và hiện trạng các điếm canh đê trên địa bàn huyện. Đặc biệt, qua kiểm tra 6 cống đê, hệ thống đê điều trên địa bàn nhìn chung đã được đầu tư, gia cố, tu bổ bảo đảm an toàn. Đến thời điểm này, mọi phương tiện, vật tư cho công tác PCTT-TKCN đã được tập kết, chuẩn bị đầy đủ. 

Cụ thể, tại kho Hạt quản lý đê, huyện Gia Lâm chuẩn bị số lượng, phương tiện, trang thiết bị dự trữ: Áo phao, áo mưa, xe cải tiến, quang gánh, xẻng, mai, xà beng, dao nhựa, vồ sàm... Còn tại kho của Ban Chỉ huy Quân sự huyện chuẩn bị 5 nhà bạt cứu sinh; 5 phao bè; 3 xuồng máy cứu hộ... Ngoài ra, còn vật tư UBND huyện giao chỉ tiêu cho 12 xã, thị trấn có đê. Tất cả trang thiết bị vật tư, cũng như các lực lượng đều sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống do thiên tai gây ra.

Phát huy vai trò nòng cốt của dân quân tự vệ 

Thượng tá Phạm Hồng Quang, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Gia Lâm xác định: Lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn huyện đóng vai trò quan trọng trong công tác PCTT-TKCN. Khi có tình huống xảy ra, đây sẽ là lực lượng thường trực tham gia xử lý những sự cố đê điều ngay từ giờ đầu. Theo đó, Ban CHQS huyện thường xuyên chỉ đạo Ban CHQS các xã, thị trấn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra; chủ động theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết, nắm bắt thực trạng các tuyến đê, kè, cống, hồ, đập trên địa bàn để kịp thời báo cáo. Đồng thời, tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương lập danh sách, tập hợp quân số, lực lượng, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện còn thành lập Đội tuần tra canh gác trên các điếm đê gồm 18 người, sẵn sàng hộ đê, chống lũ. Nằm trong tổ tuần tra, canh gác đê của huyện, đồng chí Nguyễn Văn Quân, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS xã Dương Hà cho biết, trên địa bàn xã có 2km đê Tả Đuống. Hằng ngày, Ban CHQS xã cử lực lượng, trong đó có một đồng chí Thôn đội trưởng thường xuyên kiểm tra đê, kè, cống qua đê và các công trình thủy lợi trong phạm vi bảo vệ đê điều, phát hiện báo cáo kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê điều với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã, cán bộ chuyên trách tuyến đê, đồng thời ghi chép mực nước sông vào sổ theo dõi theo quy định.

Để thực hiện phòng, chống thiên tai theo phương châm “Chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”, UBND huyện đã giao cho Ban CHQS huyện chỉ đạo các lực lượng chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án phù hợp, sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Ban CHQS huyện thành lập 1 Đội xung kích tập trung gồm 60 đội viên, được biên chế thành các trung đội, cùng với lực lượng xung kích II với số lượng mỗi điếm canh đê của các xã, thị trấn là 200 người làm nhiệm vụ trực tiếp ứng cứu hộ đê, PCTT-TKCN với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ. 

Với sự chủ động cùng các phương án cụ thể, thiết thực, bám sát phương châm “4 tại chỗ” của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Gia Lâm và sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai khi có tình huống xảy ra.

Đức Anh 
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ