A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẹn nghĩa tri ân

 

QPTĐ-Những năm qua, công tác chính sách hậu phương quân đội, chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được Đảng ủy, Ban CHQS huyện Phúc Thọ quan tâm, góp phần bồi đắp niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Ban CHQS huyện Phúc Thọ chi trả trợ cấp 1 lần cho các đối tượng theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi có dịp được chứng kiến buổi khám bệnh, tặng quà và cấp thuốc miễn phí do Ban CHQS huyện Phúc Thọ chủ trì tổ chức, mới thấy hết được sự tận tình, chăm lo chu đáo người có công với cách mạng của đơn vị. Mặc dù chưa vào giờ làm việc buổi sáng nhưng cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện đã có mặt đông đủ tại Trạm Y tế xã Tích Giang; người nào việc đấy, tất bật phối hợp với địa phương chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị y tế để chờ các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn xã tới khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Tại bàn cấp thuốc, chúng tôi thấy cụ Nguyễn Thị Hè, 82 tuổi, sau khi nhận gói thuốc từ tay các y, bác sĩ, giọng cụ lạc đi vì xúc động: “Mẹ cảm ơn các con, các con chu đáo với mẹ quá. Ngày lễ, ngày tết các con đã tặng mẹ quà rồi, giờ còn tặng cả thuốc cho mẹ nữa”. Theo Thượng tá Hoàng Đình Tuấn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phúc Thọ cho biết: “Để chăm lo cho các đối tượng chính sách của 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hằng năm, Ban CHQS huyện đều tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện tổ chức có hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội, làm tốt việc phối hợp với các bệnh viện tổ chức khám bệnh, tặng quà, cấp thuốc miễn phí vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Ngoài ra, Ban CHQS huyện còn  tích cực hưởng ứng chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện đánh giá cao”.

Được biết, trong các cuộc kháng chiến, huyện Phúc Thọ có gần chục vạn người con đã lên đường bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; trong đó có hơn 3.500 liệt sĩ, 1.067 thương binh, 545 bệnh binh, 186 cán bộ bị địch bắt tù đày, 329 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 591 người nhiễm chất độc hoá học, 1.479 thân nhân liệt sĩ, có 7 cá nhân và 14 đơn vị được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đối với giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, như: Giải quyết chế độ theo Thông tư 28 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ; hay giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần theo các Quyết định (142, 62, 49) của Thủ tướng Chính phủ... Ban CHQS huyện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện thành lập Hội đồng Chính sách và Ban chỉ đạo thực hiện các Quyết định của Thủ tướng thống nhất từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, tổ chức quán triệt, tập huấn, phổ biến nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở, hướng dẫn phương pháp tuyên truyền chế độ chính sách cho nhân dân, thông qua sinh hoạt của thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, để nhân dân nắm được chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách hậu phương quân đội. 

Trong trình tự giải quyết chế độ chính sách, Ban CHQS huyện tập trung làm chặt chẽ ngay ở cơ sở, từ khâu rà soát đối tượng chính sách, đến bước tiếp nhận phân loại hồ sơ đều công khai, nhanh gọn. Trung tá Khuất Duy Cảnh, Trợ lý Chính sách, Ban CHQS huyện Phúc Thọ, nêu kinh nghiệm: “Công dân đến làm thủ tục giải quyết chế độ chính sách đều là những người một thời cống hiến tuổi thanh xuân và cả xương máu của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; nên cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong ứng xử chúng tôi luôn chuẩn mực cả về lời nói và hành động, giải thích dễ nghe, dễ hiểu, hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình, không để công dân phải mất thời gian đi lại, kê khai nhiều lần gây tâm lý bức xúc”. Do vậy, Ban CHQS huyện đã thẩm định, xét duyệt và giải quyết trợ cấp một lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho 10. 577 công dân với số tiền hơn 40 tỷ đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Phấn khởi sau khi nhận Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh theo Thông tư 28 của Bộ Quốc phòng, bác Đỗ Lai, sinh năm 1963, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ nguyên là chiến sĩ c11, d3, e876, f356, chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, bị thương năm 1979 nhưng bị thất lạc mất hết giấy tờ, tâm sự: “Tôi xuất ngũ về quê do lâu ngày mất hết giấy tờ, đơn vị cũ thì giải tán. Nhờ các anh huyện đội nhiệt tình hướng dẫn mà được hưởng chế độ này, tôi càng tự hào hơn về bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, tôi vui lắm”.

Hiện nay, huyện Phúc Thọ được đánh giá là một trong những địa phương tiêu biểu về thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Lý giải về sự thành công, Thượng tá Hoàng Đình Tuấn cho biết: “Chính sách hậu phương quân đội là thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Vì vậy, Ban CHQS huyện đã tích cực tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện thực hiện “tròn khâu” trong giải quyết chính sách. Từ phổ biến, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, rồi đến khâu rà soát đối tượng thụ hưởng, đến thẩm định, xét hồ sơ và khi chi trả chế độ chính sách. Tất cả đều công khai, minh bạch, giải quyết nhanh, có sự giám sát của nhân dân và Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó mà nhiều năm nay, huyện Phúc Thọ không có trường hợp nào xảy ra sai sót nhầm lẫn hay bỏ sót đối tượng chính sách dẫn đến đơn thư khiếu kiện vượt cấp trên địa bàn; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”.

 NGUYỄN VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ