A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phúc Thọ chủ động trước mùa mưa bão

 

QPTĐ-Đã cuối giờ làm việc buổi chiều nhưng cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Phúc Thọ vẫn có mặt đông đủ trước sân cơ quan, người mặc áo phao, người kiểm tra bình bọt CO2 phòng cháy, chỉnh lại phao bơi cứu hộ, bảo dưỡng xuồng máy, quân y đơn vị kiểm tra bông băng, cơ số thuốc… tạo nên một không khí hăng say, nhộn nhịp. 

Dân quân xã Xuân Đình xử lý mạch đùn, mạch sủi tại hạ lưu Cống Cẩm Đình, Hiệp Thuận.

Được biết đây là chế độ kiểm tra thường xuyên của Ban CHQS huyện trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Với đặc thù của huyện được chia thành 2 vùng (vùng đồng bằng và vùng bãi) dọc theo tuyến sông Hồng dài 15km chảy qua, có nhiều làng nghề sản xuất đồ may mặc, thủ công mỹ nghệ và hàng vải hoạt động. Do đó, có nguy cơ cao về ngập úng, cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng. Chia sẻ về những ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai gây ra trên địa bàn, đồng chí Vũ Tùng Lâm, Phó Chỉ huy trưởng, Ban CHQS xã Xuân Đình cho biết: “Xã có 1 khu là vùng bãi ngoài đê, 1 khu nằm trong vùng phân lũ của Thành phố. Mỗi khi mưa to, 3 thôn ở ngoài đê thường xảy ra ngập úng cục bộ, khoảng 30ha hoa màu bị ảnh hưởng, nguy cơ vỡ đê bối do nước sông Hồng dâng cao là rất lớn”.

Chính từ việc chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa cho nên thời tiết cả năm 2020 và quý 1 năm 2021 diễn biến bất thường, toàn huyện đã không để xảy ra tình huống bất ngờ đối với công tác PCTT-TKCN. Tranh thủ ít phút giải lao khi vừa đệm màu, bổ sung xong nhiệm vụ cho các lực lượng trên tuyến đê khu vực Hữu Hồng, Vân Cốc theo ý định của đồng chí Chỉ huy trưởng, để hoàn chỉnh kế hoạch hiệp đồng giữa Ban CHQS huyện với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn trong phối hợp thực hiện công tác PCTT-TKCN năm 2021, Trung tá Lê Tiến Đạt, Trợ lý Tham mưu, Ban CHQS huyện Phúc Thọ chia sẻ: “Đối với các xã có tuyến đê xung yếu, vùng phân lũ của Thành phố, có dân sinh sống khu vực bãi ngoài đê như: Vân Hà, Xuân Đình..., trong diễn tập chiến đấu phòng thủ, chúng tôi đều tham mưu với Ban CHQS huyện chỉ đạo đưa tình huống PCTT-TKCN, thực binh sơ tán nhân dân ra khỏi vùng ngập úng, khi có bão lũ ngập úng, bị lở đất, góp phần nâng cao tính chủ động và nhận thức cho các lực lượng”.

Để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng cứu nhanh, hiệu quả, Ban CHQS huyện đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện kiện toàn Ban chỉ đạo PCTT-TKCN. Chỉ đạo Ban CHQS cơ sở chủ động rà soát, bổ sung kế hoạch PCTT-TKCN, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng chống lụt bão, bảo đảm đầy đủ vật chất, lực lượng, phương tiện cho nhiệm vụ. Ban CHQS huyện còn đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị: Hệ thống chiếu sáng ban đêm, hệ thống ICOM chống nước, ủng cao su liền quần, máy khoan cắt bê tông... Tổ chức tập huấn, diễn tập cho gần 300 lượt người về công tác PCTT-TKCN, luyện tập thuần thục lái xuồng, cứu nạn trên sông cho 100% cán bộ, nhân viên Cơ quan Quân sự huyện. “Thời gian qua, ngoài việc làm tốt chức năng tham mưu với UBND huyện, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của huyện; tổ chức tập huấn, huấn luyện, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật chất cho nhiệm vụ PCTT-TKCN, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền thanh huyện và UBND 21 xã, thị trấn, các khu công nghiệp tổ chức tuyên truyền hơn 500 lượt về công tác PCTT-TKCN, hình thức tuyên truyền là thông qua hệ thống thông tin truyền thanh, pano, áp phích, khẩu hiệu. Vì thế mà nhận thức của người dân đã nâng lên rõ rệt, quan niệm về phòng chống thiên tai không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chuyên trách, mà là trách nhiệm của toàn dân”- Thượng tá Hoàng Đình Tuấn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phúc Thọ chia sẻ.

Ngoài nội dung tuyên truyền, Ban CHQS huyện còn trực tiếp hướng dẫn nhân dân xử lí các tình huống trong PCTT-TKCN như: Khi người dân ra đường bị ngập úng cục bộ, cẩn trọng để tránh bị sa lầy các miệng cống không đậy nắp; khi có người bị điện giật, phải ngắt cầu giao điện, đẩy nạn nhân khỏi vật dẫn điện bằng ghế gỗ, sào tre; hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim, cơ miệng rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất; cách sử dụng bình bọt CO2; kinh nghiệm chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền trên sông; đóng cọc tre kè chân đê khi có bão lũ... 

Ngoài ra, Ban CHQS huyện thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với Công an nắm tình hình địa bàn, chỉ đạo lực lượng dân quân các xã: Xuân Đình, Ngọc Tảo, Tam Hiệp, Cẩm Yên, Trạch Mỹ Lộc, Hiệp Thuận… tuần tra các tuyến đê xung yếu, các điểm dễ xảy ra cháy nổ như kho, xưởng, cơ sở chứa hóa chất, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để có biện pháp phòng ngừa và xử lí.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ