A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẫn là sự định kiến, thiếu khách quan

 

QPTĐ-Ngày 28-4 vừa qua, Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) có buổi họp báo trực tuyến công bố Báo cáo Tình hình tự do tôn giáo thế giới 2020, phản ánh những diễn tiến tôn giáo tín ngưỡng trong năm qua ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và như thường lệ, đây vẫn là cái nhìn lệch lạc, thiếu khách quan, thiếu thiện chí đối với vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam.

 

 

Người dân Hà Nội nô nức xuống đường mừng Lễ Nô-el.

Ảnh: Internet


Mặc dù, Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2020 của USCIRF đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam, song nhìn tổng thể, đây vẫn là sự đánh giá phiến diện, thiếu khách quan, trích dẫn nhiều nội dung sai lệch, chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, USCIRF vẫn rất định kiến, thiếu thiện chí khi cho rằng: Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn chưa thật sự thay đổi và khuyến cáo đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về vấn đề tôn giáo.


Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân.


Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo được Hiến pháp 2013 ghi nhận: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Để cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 3 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo”. Đồng thời, Điều 6 của Luật này quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.


Như vậy, Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã quy định rõ về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức tôn giáo cũng như Nhà nước trong việc thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Và trong thực tế, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Cụ thể, thời gian qua, có rất nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó, có các sự kiện kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… 


Luật sư Hoàng Duy Hùng, một người Mỹ gốc Việt trong dịp trở về Việt Nam, được tham gia đêm Nô-en ở Hà Nội, trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: “Tôi đã từng đi ăn Nô-el tại Pháp, tại Anh, tại các thành phố lớn khác nhưng chưa bao giờ tôi thấy người ta tràn xuống đường mừng Nô-el một cách tưng bừng giống như một lễ hội quốc gia. Tại vì số người vừa rồi tôi thấy ở quận Hoàn Kiếm đi tràn ra đến Bờ Hồ, đến  Nhà thờ Lớn chắc có lẽ cũng phải vài trăm ngàn người đến một triệu người”. Nói về tự do tôn giáo ở Việt Nam, ông cũng khẳng định: “Có một điều hơi nghịch lý, không phải để chỉ trích ai, nhiều người ở nước ngoài nói Việt Nam không có tự do tôn giáo. Họ cứ nói là giờ Việt Nam đàn áp tôn giáo. Cảnh Nô-el vừa rồi đã chứng minh cho thấy người dân tự do dự thánh lễ, làm mọi chuyện theo ý của họ. Rồi cả những chuyện như anh vừa nói, là chức sắc tôn giáo, các vị linh mục muốn làm gì thì làm và có sự giao lưu giữa tôn giáo với tôn giáo. Vậy thì những lời mà người ta nói nó không có sự thật”.


Trở lại với báo cáo của USCIRF, ngay trong phần mở đầu, văn bản này đã thể hiện cái nhìn định kiến, thiếu khách quan khi cho rằng trong năm 2019, tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam nói chung không có gì thay đổi. Báo cáo cho rằng “ở một số tỉnh Đông Bắc, nhà chức trách đốt phá ít nhất 35 nhà tang lễ, những nơi được coi là quan trọng cho các lễ lạt cốt yếu của giáo phái Dương Văn Mình”; hoặc “vào năm 2019, Chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ và bỏ tù nhiều lãnh tụ tôn giáo ôn hòa cũng như các cá nhân bênh vực tự do tôn giáo”, điển hình trong số đó có Nguyễn Bắc Truyển-“một người đấu tranh cho Phật giáo Hòa Hảo bị kết án 11 năm tù…”.

 

Trong khi đó, Dương Văn Mình vốn là người từng có tiền án, tiền sự gắn liền với những hoạt động, chiêu trò gây mất ổn định an ninh chính trị, đòi thành lập quốc gia ly khai tự trị cho dân tộc Mông ở Tây Bắc. Còn Nguyễn Bắc Truyển là một trong những đối tượng khởi xướng, thành lập tổ chức, xây dựng cương lĩnh, điều lệ, quy chế hoạt động và chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ chức gọi là “Hội anh em dân chủ”. Lợi dụng việc đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền”, “xã hội dân sự”, Truyển cùng đồng bọn muốn che giấu mục đích hoạt động của “Hội anh em dân chủ” nhằm lật đổ chính quyền. Nhưng với sự định kiến và cái nhìn lệch lạc, thiếu khách quan, những người soạn thảo báo cáo của USCIRF lại cho rằng đấy là những “phát hiện chính” về không có tự do tôn giáo ở Việt Nam.


Hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của cả hai nước. Việt Nam cũng sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có vấn đề tự do tôn giáo trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, đã đến lúc USCIRF cần có cái nhìn đầy đủ, khách quan về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam, tránh định kiến, phiến diện, ảnh hưởng đến sự phát triển trong quan hệ đối tác toàn diện của hai nước.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ