A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HRW đội lốt nhân quyền để chống phá Việt Nam

 

QPTĐ-Trong những năm qua, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã nhiều lần đưa ra những thông tin thiếu khách quan, sai lệch, sai trái, bịa đặt nhằm phủ nhận thành quả, bôi nhọ bức tranh dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Chủ đích sâu xa của việc làm này là nhằm cổ xúy cho những đối tượng chống đối cũng như các hành vi vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, các luận điệu vu cáo, vu khống Việt Nam của HRW đã gia tăng theo xu hướng ngày càng tùy tiện, không chỉ thể hiện qua phát ngôn của một số đại diện tổ chức này mà còn thể hiện qua các báo cáo, thông cáo báo chí.

 

 

HRW gia tăng các luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.

 

Gia tăng các luận điệu xuyên tạc 


Trong cái gọi là “Báo cáo thường niên thế giới 2020”, công bố ngày 14-1, HRW đưa ra một số đánh giá mà thực chất là đổi trắng thay đen về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Giữ cách nhìn thiếu thiện cảm cố hữu, tổ chức này cho rằng, năm 2019 là một năm “tàn bạo” đối với các quyền tự do căn bản ở Việt Nam khi chính quyền kết án tù ít nhất 30 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến. Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến chỉ vì họ “đã thực hiện các quyền tự do căn bản như tự do biểu đạt, lập hội và tự do tín ngưỡng”. 


Hay trước cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, HRW cũng đã gửi tới EU một tờ trình kêu gọi EU gây sức ép với Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phóng thích một số đối tượng bị bắt giữ do có hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia mà HRW gọi là “những người biểu tình, lập hội, bất đồng chính kiến và hoạt động tôn giáo một cách ôn hòa”; yêu cầu Việt Nam bãi bỏ hoặc sửa đổi một số điều luật trong Bộ Luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự… 


Giữa tháng 4, HRW lại cho rằng “Facebook đã đầu hàng trước sức ép của chính quyền Việt Nam và đồng ý chặn bài của những người bất đồng chính kiến, đặt ra một tiền lệ xấu về cả nhân quyền lẫn chính sách toàn cầu của Công ty này. Quyết định nói trên của Facebook làm gia tăng nguy cơ có thêm nhiều rào cản về nội dung trong tương lai”. Và HRW kêu gào “lẽ ra Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần sử dụng tốt hơn đòn bẩy ngoại giao để hỗ trợ Facebook trong tình huống bị chính quyền Việt Nam gây sức ép. Các doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp khác lẽ ra cũng cần ủng hộ Facebook một cách công khai hơn để ngăn ngừa các chiến thuật mạnh tay của chính quyền”.


Gần đây nhất, ngày 19-6, HRW lại ra Thông cáo báo chí vu khống, xuyên tạc rằng “chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13”. HRW xuyên tạc rằng “có ít nhất 150 người đã bị kết tội vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội hiện đang ở trong tù. Ít nhất có 15 người khác đã bị khởi tố nhưng chưa xét xử”.

 

Tiếp đó, HRW viện dẫn một số đối tượng bị bắt giữ như: Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Huỳnh Anh Khoa, Trần Đức Thạch, Đinh Thị Thu Thủy… và xuyên tạc rằng: “Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Để đảm bảo sự kiện này diễn ra “trơn tru”, “không có các tiếng nói bất đồng hay chống đối”, chính phủ Việt Nam từng truy bắt nhiều nhà bất đồng chính kiến trước thềm đại hội”. Rất nhanh chóng, các tổ chức, cơ quan truyền thông thù địch, thiếu thiện chí như RFA, BBC, VOA…đã lớn tiếng triệt để khai thác, lợi dụng luận điệu của HRW để vu cáo Việt Nam.

 

HRW-Tổ chức đội lốt nhân quyền


HRW được thành lập năm 1988 trên cơ sở hợp nhất tổ chức Helsinki Watch (do Robert L.Bernstein thành lập năm 1978 với mục đích “giám sát” Liên Xô trước đây bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc Liên Xô thực hiện quy ước của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu-OSCE, hỗ trợ các nhóm “bảo vệ” nhân quyền tại nước này) với một số tổ chức quốc tế khác có cùng tôn chỉ, mục đích nghiên cứu và cổ vũ cho cái gọi là phát triển nhân quyền. Nói là chuyên nghiên cứu và cổ vũ cho nhân quyền trên thế giới, song nếu nhìn vào những hoạt động trên thực tế của HRW lại nhận thấy ngay rằng tổ chức này đã và đang “lời nói không đi đôi với việc làm”, “nói một đằng, làm một nẻo” và trở thành "con rối" đội lốt nhân quyền phục vụ mục đích chính trị.


Một trong những "sứ mệnh" HRW tự phong cho mình là "điều tra và đưa ra ánh sáng các vi phạm nhân quyền và buộc những đối tượng vi phạm phải thừa nhận trách nhiệm"; "tiến hành nghiên cứu thực tế và điều tra các vi phạm nhân quyền, báo cáo một cách công tâm về tình hình nhân quyền tại khoảng 90 quốc gia". Tuy nhiên, HRW lại luôn “núp bóng”, lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của những quốc gia không phù hợp lợi ích của các quốc gia phương Tây. Tổ chức này đã bị rất nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Thái Lan, Cuba, Triều Tiên, Sri Lanka, Syria… thậm chí cả Đức chỉ trích, phản đối vì đã can thiệp làm phức tạp tình hình. Không phải ngẫu nhiên mà trang web của HRW lại bị “cấm chỉ” ở Thái Lan. Ngay cả Robert L.Bernstein, người sáng lập HRW, cũng cáo buộc tổ chức này áp dụng phương pháp nghiên cứu "nghèo nàn", dựa vào các nhân chứng mà không kiểm chứng những lời kể của họ, hoặc có đưa ra bằng chứng thì cũng vì mục đích chính trị. Còn Viện nghiên cứu Monitor cáo buộc HRW áp dụng phương pháp luận sai lầm, hiểu sai luật pháp quốc tế.


Trang NachDenkSeiten của Cộng hòa liên bang Đức với bài viết có nhan đề “HRW: Nhân quyền và kiến tạo dư luận” của nhà báo T.Riegel đã vạch rõ thực chất các hoạt động, mục đích mà HRW luôn hướng tới. Kết thúc bài báo, tác giả cho rằng: “Cho dù tiếng vang trong hệ thống truyền thông từ báo cáo của HRW chỉ có giới hạn, nhưng về lâu dài, nó sẽ được sử dụng nhằm phục vụ mưu đồ chính trị, qua việc trích dẫn để sử dụng làm “bằng chứng” chống lại đối thủ khi cần thiết, tương tự như bảng “xếp hạng tự do báo chí” hết sức mơ hồ RSF vẫn đưa ra”.


Việt Nam là một trong số những nước mà HRW dành sự “quan tâm đặc biệt”. Một trong những thủ đoạn HRW thường triển khai là tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam qua báo cáo nhân quyền thường niên, hoặc ra thông cáo báo chí, gửi thư tới lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức quốc tế. Những việc làm mang dụng ý xấu của HRW ít nhiều khiến cộng đồng quốc tế hiểu chưa đúng về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Có thể thấy, HRW đã lộ nguyên hình là tổ chức đội lốt nhân quyền để phục vụ cho mục tiêu chính trị của các thế lực đen tối.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ