A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đấu tranh, ngăn chặn luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội

 

QPTĐ-Ngày nay, với khả năng giúp con người tạo dựng những mối quan hệ vượt ra ngoài giới hạn không gian và thời gian để giao lưu, chia sẻ, mạng xã hội đã trở thành “quyền lực thứ 5” trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh phát huy được những ưu việt, mạng xã hội cũng trở thành mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh có hiệu quả với những thủ đoạn đó là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.

 

 

Tranh minh họa tin giả về đại dịch Covid-19. 

 

Thực tế cho thấy, khi mạng xã hội được sử dụng vì lợi ích chung của xã hội sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tích cực, giúp kết nối mọi người; cũng là một kênh ma-két-tinh, kinh doanh hiệu quả, giúp nắm bắt thông tin và là một kênh giải trí hữu ích. Trên phương diện nhất định, mạng xã hội đã làm hình thành một lớp công dân mạng làm truyền thông qua việc tự đăng tải thông tin, chia sẻ, bình luận, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng, phát triển trí tuệ… Song, bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng sớm bộc lộ nhiều bất cập, tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị-xã hội, mạng xã hội đã làm phức tạp, gây tình hình bất ổn ở nhiều quốc gia. Có thể kể đến, các biến động chính trị xã hội ở Bắc Phi, Trung Đông đều có sự tham gia, hoặc chủ động, hoặc bị động của các tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội làm công cụ để truyền bá thông tin, liên lạc và tổ chức hoạt động. Hay mới đây là các cuộc biểu tình kéo dài ở Pháp, biểu tình, bạo động ở Hồng Kông và mới nhất là biểu tình ở Mỹ.


Với Việt Nam, mạng xã hội đã trở thành môi trường để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, chống phá đất nước. Thông qua mạng xã hội, các đối tượng phản động, chống đối Nhà nước dễ dàng lợi dụng để tung những thông tin bịa đặt, sai sự thật, phá hoại tư tưởng, nội bộ, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây mâu thuẫn dân tộc, kích động biểu tình, bạo loạn. Những luồng thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. 


Thủ đoạn của chúng là lợi dụng hệ thống thông tin mạng toàn cầu với lượng thông tin lớn, có thể tán phát cả trong và ngoài nước, tốc độ truyền tin nhanh, truy cập dễ dàng, thỏa mãn nhu cầu nghe-nhìn… để xây dựng hàng loạt các trang thông tin, blog có nội dung lôi kéo, kích động, chống phá, phủ nhận nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm và vai trò lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Các trang tin này được thiết kế sử dụng tiếng Việt với nhiều hình thức thông tin hấp dẫn, nhằm thu hút, lôi kéo người truy cập, lợi dụng vào đó để cài các thông tin có tính chất phản động, chống đối để gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước các vấn đề có tính nhạy cảm, làm cho mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ dễ có cái nhìn lệch lạc về lịch sử, xã hội và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó, bị lung lạc niềm tin và có những hành động đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc.


Một thủ đoạn khác mà các thế lực thù địch cũng thường xuyên sử dụng là làm giả các website, tài khoản cá nhân mạo danh các cơ quan, đơn vị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng... Đáng chú ý là, để tạo lòng tin cho người đọc và thu hút nhiều người truy cập, các website này đã cung cấp nhanh và đúng những thông tin mà báo chí chính thống tại Việt Nam đã đăng, sau khi thu hút được số lượng lớn người truy cập, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Từ các trang mạng này, nhiều người truy cập sẽ mắc mưu và bị động, lúng túng khi tiếp nhận thông tin, dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và hành vi sai trái. Chúng thường triệt để sử dụng mạng xã hội để nhanh chóng kết nối các thành viên, truyền bá tư tưởng phản động, tung tin bịa đặt, gây tâm lý hoang mang, dao động trong xã hội.


Do đó, chủ động đấu tranh ngăn chặn hiểm họa từ mặt trái của mạng xã hội đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tham gia cuộc đấu tranh này là trách nhiệm chính trị của các cấp, các ngành, không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng ai. Nhưng trước hết, chúng ta phải xây dựng lực lượng chuyên trách, có năng lực chuyên môn, trình độ về mọi mặt để giữ vai trò nòng cốt, xung kích trong cuộc đấu tranh này. Muốn vậy, vấn đề vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài là cần phải bồi dưỡng lực lượng chuyên trách trong đấu tranh tư tưởng, lý luận một cách toàn diện để họ trở thành những người có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, trình độ, tư duy, lý luận cao, có phương pháp luận nhạy bén, am hiểu thời cuộc; mục tiêu xa hơn là trở thành những “chuyên gia”, những cây “bút chiến” sắc bén. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng chuyên biệt cho lực lượng này, bảo đảm cho họ thành thạo về công nghệ thông tin, làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại, sử dụng tốt ngoại ngữ để thu thập, tiếp nhận và xử lý nhanh chóng các thông tin, các tình huống đặt ra.


Các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông trong nước và nước ngoài cần chủ động phối hợp để triển khai có hiệu quả các nghị định thư, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm mạng xuyên biên giới. Rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an toàn, an ninh mạng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế trong việc chặn lọc thông tin xấu độc. Quản lý, bố trí lực lượng theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động của hệ thống mạng, các trang thông tin điện tử để phát hiện sơ hở, thiếu sót dẫn đến mất an ninh, an toàn thông tin mạng mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng để đưa các thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. 


Cùng với đó là quản lý chặt chẽ, các mạng xã hội, trang thông tin điện tử; xây dựng những từ khóa để sàng lọc, ngăn chặn các trang mạng xã hội có nội dung xấu độc, các tin nhắn rác. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định quản lý để doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, phong tục tập quán của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia.


Đức Phương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ