A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Gỡ khó” trong từng bài giảng

 

QPTĐ-Sôi nổi, hào hứng và trách nhiệm với từng câu hỏi của giáo viên đưa ra; trả lời lưu loát gắn với hoạt động thực tiễn của đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, đó là không khí trong buổi giáo dục chính trị của Đại đội 3, Tiểu đoàn Thiết giáp 47 mà chúng tôi cảm nhận được khi đến công tác tại đơn vị.

Giáo dục chính trị ở Tiểu đoàn Thiết giáp 47.

“Các đồng chí ạ! Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân Việt Nam, nhất là lực lượng quân đội chúng ta cần phải làm gì? Để trả lời câu hỏi đó, hôm nay, tôi cùng toàn thể các đồng chí nghiên cứu, tìm hiểu bài Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”. 

Lời mở đầu ngắn gọn, súc tích của Thượng úy Đào Duy Phú, Chính trị viên Đại đội 3 đã gợi mở, dẫn dắt người học vào nội dung nhẹ nhàng, tạo sự tò mò, hứng thú cho cán bộ, chiến sĩ trong buổi học. Tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ, trao đổi với chúng tôi, Phú cho biết: “Khi nhắc tới giáo dục chính trị là mọi người thường nghĩ tới các vấn đề rất khô khan, trừu tượng, khó hiểu. Để khắc phục tình trạng đó và tạo sự hào hứng cho người học, việc nghiên cứu chủ đề, tìm tài liệu, xây dựng đề cương viết giáo án, nhất là tìm cái mới, cái chân thực sát với cuộc sống hằng ngày của bộ đội để đưa vào nội dung bài giảng vô cùng quan trọng. Qua đó, giúp cho giáo viên nắm chắc nội dung, hiểu sâu vấn đề, phân tích và lấy ví dụ phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị. Trong đó, việc lựa chọn hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ sát với nội dung bài giảng và nhiệm vụ của đơn vị để mọi người có cái nhìn trực quan, sinh động, được chỉ huy đơn vị quan tâm và chỉ đạo rất chặt chẽ”. 

Khi hỏi về những khó khăn trong quá trình giảng bài chính trị, đồng chí Chính trị viên Đại đội 3 chia sẻ: “Hiện nay, đơn vị quản lý nhiều đối tượng chiến sĩ năm thứ nhất, thứ hai, tiểu đội trưởng… Trình độ văn hóa và nhận thức của cán bộ, chiến sĩ không đồng đều. Để khắc phục những khó khăn đó, chúng tôi thường xuyên phải tìm hiểu, nghiên cứu và cập nhật nội dung hình thức giảng bài cho phù hợp. Nhất là những đồng chí chưa tốt nghiệp trung học cơ sở, nên rất khó khăn trong việc truyền tải nội dung bài học. Vì vậy, đơn vị đã tiến hành phân công các đồng chí có trình độ học vấn hoặc có nhận thức tốt để giúp đỡ, kèm cặp những đồng chí này. Đồng thời, việc phân chia cán bộ, chiến sĩ thành các tổ, nhóm để trao đổi, thảo luận những vấn đề còn chưa sâu, chưa rõ đã phát huy được hiệu quả. Quá trình lên lớp, việc xây dựng các câu hỏi thảo luận, chúng tôi thường bám sát chức trách cán bộ, chiến sĩ, nhiệm vụ của đơn vị để phù hợp với khả năng của từng người. Qua đó, bộ đội dễ hình dung được vấn đề, tiến hành thảo luận sôi nổi hơn. Chúng tôi nhận thức được rằng, mục tiêu cuối cùng đạt được trong buổi giáo dục chính trị là cán bộ, chiến sĩ hiểu vấn đề, nhận thức rõ chức trách, nhiệm vụ của mình để có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy chính trị của Tiểu đoàn Thiết giáp 47 còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống máy tính, máy trình chiếu đã xuống cấp. Việc tiếp cận và cập nhật những thông tin, nguồn tài liệu mới của cán bộ các cấp còn chưa thường xuyên. Phương pháp sư phạm của cán bộ giảng dạy chính trị chưa thực sự đồng đều. Nói về vấn đề này, Đại úy Trịnh Đình Sơn, Chính trị viên Tiểu đoàn cho biết: “Để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị của đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất. Cùng với đó, việc bồi dưỡng về phương pháp và khả năng sư phạm cho đội ngũ cán bộ chính trị được đơn vị thực hiện thường xuyên, nhất là bước thông qua giáo án. Bởi, qua nội dung này, chỉ huy Tiểu đoàn sẽ nắm được trình độ, khả năng và phương pháp của từng người. Từ đó, tổ phương pháp của Tiểu đoàn sẽ bồi dưỡng thêm về kỹ năng sư phạm. Thông qua công tác kiểm tra, dự giờ, giảng mẫu, giảng thử, phân công đồng chí có phương pháp giảng tốt kèm cặp, giúp đồng chí có phương pháp giảng kém hơn, đồng thời tiến hành rút kinh nghiệm, qua đó đã góp phần nâng cao trình độ, khả năng và phương pháp sư phạm cho đội ngũ cán bộ chính trị của đơn vị. 

Binh nhất Viết Văn Hiếu, chiến sĩ Trung đội 7, Đại đội 3 bộc bạch: “Mỗi bài giảng chính trị, chúng tôi đều được tiếp cận những hình thức và phương pháp truyền tải nội dung mới của giáo viên, giúp chúng tôi dễ nhớ, dễ hiểu vấn đề hơn. Nhất là các nội dung có gắn với hoạt động thực tiễn của đơn vị đều có hình ảnh minh họa khá sinh động. Đặc biệt, những nội dung có tính trừu tượng cao, yêu cầu về tư duy, giáo viên còn sử dụng một đoạn video liên quan vấn đề đó để chứng minh, tạo cho người học có cái nhìn trực quan, sinh động hơn. Nhờ đó, nội dung bài giảng không còn hiện tượng khô cứng và nhàm chán, giúp chúng tôi tiếp thu bài học tốt hơn”.

Nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực và phương pháp sư phạm cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị nên chất lượng bài giảng ngày càng được nâng lên. Giờ học tập chính trị của đơn vị không còn khô cứng, nhàm chán đã tạo cho cán bộ, chiến sĩ có sự hào hứng trong từng bài giảng. Hằng năm, kiểm tra nội dung giáo dục chính trị, đơn vị luôn đạt trên 75% khá, giỏi. Cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng công tác, chấp hành nghiêm kỷ luật.   

Q.ĐÔNG-V.HUÂN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ