A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Niềm mong mỏi

 

QPTĐ-Lương hưu quá thấp, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng, khiến hàng trăm nghìn người hưởng lương đã nghỉ hưu từ năm 1993 phải chật vật với cuộc sống hàng ngày, nhất là khi tuổi đã cao lại còn mang trong mình nhiều bệnh tật. Đó là tình trạng chung của những người đang hưởng mức lương hưu quá thấp và hy vọng về sự điều chỉnh chính sách từ Chính phủ, luôn là niềm mong mỏi của những người nghỉ hưu trước năm 1993.

Trong giai đoạn 2003-2007, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8%

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), số người hưởng lương hưu trước 1993 hiện nay là 592.000 người. Phần lớn những trường hợp này có thời gian hưởng lương trước đây rất thấp. Bên cạnh đó, một số người về hưu sớm, 60% số này nghỉ hưu sớm trước tuổi. Còn lại 1/3 là lực lượng vũ trang. Qua tìm hiểu về quá trình hình thành chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam được biết, những người về hưu trước năm 1993 trong thời điểm chỉ bắt đầu có Pháp lệnh về hợp đồng lao động chứ chưa có  Luật Lao động, phải đến 1/1/1995 luật này có hiệu lực. Về BHXH, thời gian này cũng chỉ có Điều lệ BHXH chứ chưa có Luật BHXH. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương hưu trong thời gian qua theo tỉ lệ, cho nên giãn cách mức lương về hưu tính theo giá trị hiện tại của người về hưu trước và sau, ngày càng giãn cách. Vì vậy, dẫn đến việc người về hưu trước năm 1993 có mức lương hưu thấp. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 8 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức cao hơn bình quân. 

Trong giai đoạn 2003-2007, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% (tùy thuộc vào mức lương khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu) so với mức lương hưu của tháng 12/2002, trong đó, người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 4/1993 được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn những người nghỉ hưu ở giai đoạn từ tháng 4/1993 trở về sau. Tháng 7/2016, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng. Theo đó từ ngày 1/1/2016, tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng lương hưu có mức lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng và tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng. Hiện nay, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định của Luật BHXH, theo đó Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, khi Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương cơ sở thì lương hưu cũng được điều chỉnh với tốc độ tăng tương ứng nhằm đảm bảo tương quan giữa người nghỉ hưu và người tại chức.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10-Quốc hội khóa XIV về lương hưu cho người nghỉ hưu trước 1993, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện chúng ta có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993, và còn 400.000 người nghỉ hưu ở những thời điểm khác nhau nhưng lương rất thấp, dưới 3 triệu đồng/tháng, trong đó, có những trường hợp như công nhân cao su chỉ 1 triệu đồng/tháng. Bộ LĐ-TB&XH đã tính toán phương án để có khoản bù thêm, theo quy định do ngân sách Nhà nước đảm bảo chứ không phải do BHXH và đã tính ra trong 400.000 đối tượng với mức bù khoảng 500.000 đồng/người/tháng thì mất khoảng 2.400 tỷ đồng/năm, tuy nhiên, việc này phải tính trong đồng bộ. Sau đó, do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến nguồn thu cho nên các cơ quan có thẩm quyền cấp trên đã quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương đi kèm với nó là BHXH, chính sách người có công và kể cả áp dụng tiêu chuẩn nghèo mới đa chiều thay vì đầu năm 2021 sang 1/7/2022. “Riêng đối với những người nghỉ hưu trước năm 1993, thu nhập thấp, Bộ LĐ-TB&XH sẽ báo cáo với Thủ tướng”-Phó Thủ tướng cho biết.

PV
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ