A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga-Mỹ: Đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân?

 

QPTĐ-Thông điệp ban đầu được giới chức ngoại giao Mỹ và Nga phát đi cho biết: Vòng đàm phán mới về kiểm soát vũ khí giữa Moskva và Washington đã được tổ chức tại thủ đô Vienna (Áo) ngày 22/6, sau nhiều tháng trì hoãn. Dẫn đầu Phái đoàn Mỹ là Đặc phái viên-Đại sứ M.Billingslea; phía Nga là Thứ trưởng Ngoại giao S.Ryakov. Theo đó, hai bên tiến hành thảo luận về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới). 

 

 

Tên lửa Harpoon được phóng từ tàu khu trục USS Fitzgerald của Mỹ trong cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển gần Guam.

Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trước đó, Nga và Mỹ đã ký Hiệp ước START về kiểm soát, cắt giảm vũ khí chiến lược vào năm 2010, sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 tới; tức là thời hạn có hiệu lực chỉ còn hơn nửa năm nữa. Theo Hiệp ước, mỗi nước, Nga và Mỹ chỉ được phép triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, giới hạn triển khai các loại vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân và triển khai việc kiểm chứng, thanh sát tại chỗ việc sản xuất, triển khai vũ khí. Đồng thời, SATRT cũng bao gồm khả năng mặc nhiên gia hạn 5 năm mà không cần sự phê duyệt của Quốc hội mỗi nước. 

 

Tuy nhiên, năm 2019 và 2020, Tổng thống Mỹ D.Trump đã tuyên bố hủy Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ ký kết năm 1987 và Hiệp ước Bầu trời mở (OST) giữa 30 quốc gia, trong đó có Nga, Mỹ; khiến Moskva cũng tuyên bố rút khỏi các hiệp ước này. Dường như bóng đen đang bao phủ niềm tin trong mối quan hệ Nga-Mỹ về việc kiểm soát vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân chiến lược nên người ta lo ngại, Hiệp ước START có nguy cơ bị hủy?


Giới truyền thông phương Tây đưa tin, trong các cuộc điện đàm thời gian gần đây giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ D.Trump, cả 2 vị đều quan tâm đề cập đến vấn đề START mới. 


Tổng thống V.Putin khẳng định, Nga sẵn sàng gia hạn hiệp ước và đề xuất, nếu Mỹ chấp nhận đề nghị kéo dài hiệu lực của hiệp ước, Nga sẽ sẵn sàng đưa một số vũ khí mới nhất vào hiệp ước này. Theo Thứ trưởng Ngoại giao S.Ryakov, các loại vũ khí siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat mới, tên lửa siêu vượt âm Avangard có thể đưa vào hiệp ước cùng các loại vũ khí hạt nhân khác vừa được nâng cấp, cải tiến của Nga. Moskva sẵn sàng thảo luận về các loại vũ khí hạt nhân mới trong các cuộc đối thoại chiến lược, bao gồm tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân Burevestnik và siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon. Điện đàm với người đồng cấp Mỹ M.Pompeo, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cũng đưa ra những tín hiệu tích cực về sẵn sàng gia hạn hiệp ước và bổ sung các loại vũ khí hạt nhân mới vào Hiệp ước New START. 


Phản ứng trước thái độ tích cực, chủ động của Nga, Mỹ còn khá dè chừng. Nhà Trắng cáo buộc Điện Kremlin phát triển tên lửa 9M729 là vi phạm Hiệp ước INF; đồng thời biện minh, Mỹ hủy Hiệp ước OST cũng bởi Nga không tuân thủ đầy đủ hiệp ước, trong khi Nga lên tiếng bác bỏ. Gần đây nhất, Tổng thống D.Trump cho rằng, START là một “giao dịch tồi tệ” được ký dưới thời Tổng thống tiền nhiệm B.Obama, có lợi cho Nga và hạn chế nghiêm trọng khả năng phát triển hạt nhân của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa có đệ trình lên Quốc hội nhận định, mặc dù Nga tuân thủ hiệp ước nhưng thỏa thuận này không bao gồm đủ các hệ thống vũ khí. Chính phủ đang tìm kiếm một hệ thống kiểm soát quân sự khác, bảo đảm cho Mỹ và đồng minh một “chiếc ô an ninh” thật sự. 


Trong tháng 3 vừa qua, Lầu Năm Góc công bố kết quả thử nghiệm thành công vũ khí siêu âm của Hải quân và Lục quân Mỹ, sau khi Nhà Trắng và Quốc hội liên tục chi ngân sách gia tăng vào lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm. Lầu Năm Góc vừa đưa ra con số 3,2 tỉ USD (năm 2021) nghiên cứu khoa học siêu vượt âm, tăng 23% so với năm 2020. Mỹ thừa nhận, đi sau Nga về vũ khí siêu âm.


Theo các chuyên gia quân sự, cùng với sự phát triển và triển khai tên lửa siêu vượt âm của Nga và Mỹ, hạt nhân hóa vũ khí siêu vượt âm đang trở thành chủ đề quan tâm của cộng đồng kiểm soát vũ khí. Vũ khí siêu vượt âm có thể đưa chiến tranh hạt nhân lên một tầm cao mới, khi tốc độ bay của chúng nhanh hơn rất nhiều lần tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân kèm với tính cơ động cao khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương khó có thể đánh chặn. Công nghệ tên lửa siêu vượt âm tiếp tục phát triển nhanh chóng, xu hướng hạt nhân hóa vũ khí siêu vượt âm đang hiện hữu, sẽ tác động sâu sắc đến tình hình cạnh tranh hạt nhân giữa các cường quốc và hệ thống kiểm soát vũ khí trên thế giới.


Hiện, 3 quốc gia hạt nhân: Nga, Mỹ, Trung Quốc đều tuyên bố phát triển thành công vũ khí siêu vượt âm? 


Mỹ kêu gọi ký một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân bao gồm Mỹ-Nga-Trung nhưng không được Bắc Kinh hưởng ứng. Trung Quốc là 1 trong 5 quốc gia (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung) được phép sử dụng vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968. Theo Trung tâm IICS, Trung Quốc sở hữu khoảng 320 vũ khí hạt nhân, trong khi Nga: 6.370, Mỹ: 5.800. Ngoài ra, Bắc Kinh sở hữu khoảng 2.200 tên lửa tầm ngắn, tầm trung có tầm bắn 400-5.000 km. Hàng chục năm qua, Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quân sự, quốc phòng đầu tư mạnh cho lực lượng Hải quân và bộ ba vũ khí tấn công chiến lược, cạnh tranh với Mỹ. Giới chuyên gia bình luận: Trung Quốc sẽ không ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi Mỹ và Nga cắt giảm kho vũ khí hạt nhân xuống mức tương đương của Bắc Kinh. 


Tuần qua, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra tuyên bố cứng rắn đáp trả “hành động thù địch” của Hàn Quốc, sẽ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (1945-2020), phô trương nhiều loại vũ khí chiến lược mới. 


Ngày 24/6, tại Quảng trường Đỏ, Tổng thống V.Putin khen ngợi Quân đội Nga trong Lễ duyệt binh với sự tham gia của 13.000 binh sĩ, 75 máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, 216 đơn vị vũ khí mặt đất mừng 75 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945-9/5/2020). Đáng nói, Lễ diễu hành xuất hiện tổ hợp phòng không tầm trung S-350, tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars, pháo phản lực phóng loạt Tormado-S và TOS-2, pháo tự hành Su-100, tiêm kích Su-57 và MiG-31K mang tên lửa siêu thanh. 


Mỹ và các đồng minh châu Á cũng không thể làm ngơ trước chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của Trung Quốc, Triều Tiên.


HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ