A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẻ đến trường

QPTĐ-Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa có báo cáo thống kê về việc các địa phương trên cả nước tổ chức dạy học trực tiếp (tính đến ngày 25/10/2021). Hiện có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức dạy học trực tiếp và 15 tỉnh, thành kết hợp cả dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức học trực tiếp tại các trường, trên cơ sở các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới trường, đảm bảo an toàn, ưu tiên tiêm đủ liều vắc xin cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch cho học sinh, sinh viên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ khi đến lớp. (Ảnh: Internet)

Bộ GD-ĐT đã đưa ra 12 tiêu chí để mở cửa trường học, trong đó có các nội dung yêu cầu đối với học sinh trước khi đến trường, khi học tại trường và đưa đón học sinh khi tan trường. Đây là những nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, được chỉ dẫn đến từng chi tiết để đảm bảo học sinh đến trường được an toàn, tránh lây lan dịch bệnh. Được biết, hiện nay Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng phương án cho học sinh trở lại trường và trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, quyết định. Phương án mới mà Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất cho học sinh đến trường căn cứ đánh giá mức độ dịch theo các cấp độ dịch Covid-19 của các xã, phường.

Tuy nhiên, việc mở cửa trường học đón trẻ đến trường ở Hà Nội đang có những ý kiến trái chiều ngay cả với các chuyên gia. Ông Nguyễn Lân Hiếu-Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, khi chưa có kế hoạch rõ về việc tiêm vắc xin thì vẫn nên duy trì việc học trực tuyến… Không thể nào một trường học cứ mở cửa, có vài ca dương tính lại đóng lại thì sẽ không ổn định cho việc học tập của các cháu. Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lại cho rằng, quan điểm nên tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học là không phù hợp. Theo ông, chưa nói đến nguồn cung vắc xin vẫn khan hiếm, ngay cả trong trường hợp có đủ vắc xin thì việc phải tiêm đủ 2 mũi để có kháng thể cũng mất nhiều thời gian. Và như thế, năm học sẽ bị kéo dài, ảnh hưởng đến học sinh, nhất là học sinh các lớp đầu cấp, cuối cấp. Vì vậy, ông Phu đề xuất khi mở cửa trường, các lớp học nên tổ chức độc lập với nhau, tránh giao lưu giữa lớp nọ sang lớp kia. Trong trường hợp dịch xảy ra ở lớp nào thì chỉ đánh giá nguy cơ ở lớp đấy. Nếu các lớp khác không có yếu tố dịch tễ thì vẫn tổ chức dạy học bình thường.

Về phía phụ huynh học sinh, một số người mong cho con được tiêm chủng để được yên tâm trước lây lan của dịch bệnh, trong khi số khác lại ủng hộ chủ trương cho con đến trường, dù chưa được tiêm phòng ngay. Số khác thì lo ngại việc con ở nhà lâu, học trực tuyến không hiệu quả. Cô thì dạy, trẻ thì không chú ý. Lo con thay đổi tính nết, hại mắt khi suốt ngày dán mắt vào màn hình. Điều phiền phức là trẻ thì học ở nhà, trong khi cha mẹ phải đi làm là nỗi lo bất an, bất ổn…

Tuy vẫn có nhiều ý kiến trái chiều với việc trẻ đến trường và theo chiều hướng nào cũng là điều đáng quan tâm, nhưng quan điểm phải sớm đưa trẻ đến trường trong điều kiện đã kiểm soát được dịch bệnh và có nhiều biện pháp chủ động phòng chống Covid-19 được nhiều bậc phụ huynh đồng tình hơn cả. Bên cạnh đó là việc tiêm vắc xin cho trẻ vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu để trẻ được bảo vệ an toàn khi đến trường, bởi không chỉ riêng nước ta mà nhiều nước trong khu vực và thế giới đều đã thực hiện và đã có hiệu quả. Hơn nữa, do các địa phương đều đã thực hiện phân cấp độ phòng chống dịch, nếu ở nơi được bảo đảm an toàn theo quy định, thì việc trẻ đến trường là cần thiết. Đây là ý kiến được sự đồng thuận của số đông phụ huynh.

PV


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ