A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh gậy bản quyền

QPTĐ-Đó là cách gọi của dư luận về sự việc hy hữu xảy ra ngay trong tối 6/12, khi đội tuyển bóng đá Việt Nam chính thức thi đấu trận đầu tiên tại Giải bóng đá AFF Cup 2020, gặp đội tuyển bóng đá Lào trên sân Bishan (Singapore). Giữa lúc hàng triệu người hâm mộ bóng đá trong nước đang háo hức chờ đón trận đấu sẽ diễn ra trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, mạng xã hội, YouTube...thì ngay trong khoảng thời gian hai đội tiến hành nghi thức hát Quốc ca, khán giả không nghe được lời hát Quốc ca Việt Nam. Kèm theo đó là  một thông báo xuất hiện trên kênh Youtube của Next Sports (Next Media) giải thích: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị thông cảm”.

Ảnh minh họa (Internet).

Ngay lập tức, dư luận đã lên án doanh nghiệp BH Media “đánh gậy bản quyền” trên YouTube với ca khúc Tiến quân ca, khiến Quốc ca Việt Nam không được vang lên trong một thời khắc thiêng liêng. Tuy nhiên, sau đó, đại diện BH Media đã bác bỏ thông tin này và khẳng định, việc tắt tiếng Quốc ca Việt Nam không liên quan đến đơn vị. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch (Bộ VH, TT&DL) đã làm việc với các cơ quan liên quan về sự cố doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam và nêu rõ, Bộ VH, TT&DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Bộ VH, TT&DL nhấn mạnh, pháp luật Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ VH,TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

 Tiến sĩ Nguyễn Công Hóa, nguyên trưởng Ban Quản lý dự án Website Chính phủ (tiền thân của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hiện nay) cho biết, từ khi Website Chính phủ ra mắt vào ngày 10/1/2006, Bộ VH TT&DL đã chính thức chuyển giao, công bố Quốc ca Việt Nam trên Internet toàn cầu qua Website Chính phủ. Đây là một trong các dữ liệu chính thức về Nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet, gồm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Tuyên ngôn cũng như các văn bản pháp luật… Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng bản ghi chính thức này trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo quy định của pháp luật. Mặt khác, thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng cho biết, nhạc Quốc ca sử dụng trong nghi thức chào cờ trước trận tuyển Việt Nam-Lào tại AFF Cup 2020 được Ban tổ chức AFF Cup 2020 lấy nguồn từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Đây là nhạc Quốc ca của Việt Nam do VFF cung cấp, được VFF lấy từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Trong các sự kiện thể thao quốc tế, Quốc ca luôn là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ to lớn cho mỗi vận động viên đem hết tài năng, sức lực thi đấu vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc và mỗi khi giành được giải cao, quốc kỳ và quốc ca nước đó được cất lên là một niềm xúc động vô cùng lớn không chỉ đối với VĐV mà còn với cả các cổ động viên, của cả những khán giả ở quê nhà… Đây không còn là một nghi thức thông thường, mà nó còn là bản sắc, là sức mạnh tinh thần của cả một quốc gia, dân tộc và là một nghi thức thiêng liêng không thể tùy tiện cắt bỏ vì một lý do “bản quyền âm nhạc” nào đó, cho nên bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam đều trái với quy định pháp luật Việt Nam. 

PV


 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ