A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung giải pháp khai thác hiệu quả các FTA

 

QPTĐ-Sau 25 năm tham gia và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tác động nước ta hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao, mở rộng xuất nhập khẩu, thu hút nguồn vốn FDI, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, tạo việc làm mới, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) không chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức.

Các FTA mang lại cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Kết quả quan trọng

Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 11 FTA truyền thống và 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP, được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018 và Hiệp định EVFTA, được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 6 năm 2020 và chính thức có hiệu lực từ 01/8/2020. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Nổi bật là thương mại hàng hóa có sự phát triển mạnh mẽ. Kể từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng bình quân xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác thương mại FTA đều đạt mức 2 con số, trong đó, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là 4 đối tác có tốc độ tăng trị giá xuất nhập khẩu trung bình năm cao hơn 20%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA ngoài CPTPP (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc-New Zealand, Chile và Liên minh kinh tế Á-Âu) năm 2019 đạt 123,11 tỷ USD.

Về thương mại dịch vụ, tổng giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ tăng 10,8%/năm trong giai đoạn 2005-2019. Trong đó, dịch vụ vận tải và du lịch là 2 ngành đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ, đồng thời, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất, nhập khẩu dịch vụ của cả nước. 

Về đầu tư, đến hết năm 2019, vốn đăng ký lũy kế các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực của nước ta là 362,58 tỷ USD, vốn thực hiện là 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% vốn đăng ký. Trong đó, vốn FDI đăng ký vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 214,17 tỷ USD, chiếm 59,1%. Hoạt động của các doanh nghiệp FDI đã góp phần thúc đẩy liên kết trong các chuỗi giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của nước ta. Trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 1% và vốn FDI bình quân 1 dự án chỉ đạt 7,06 triệu USD/dự án.

Sau khi ký kết các hiệp định FTA, mặc dù quy mô thương mại được mở rộng nhưng Việt Nam lại liên tục nhập siêu ngày càng tăng trong giai đoạn 2004-2008, năm 2008 cán cân thương mại nhập siêu đến 18 tỷ USD. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến năm 2019, cán cân thanh toán tổng thể liên tục duy trì trạng thái thặng dư nhờ cán cân thương mại xuất siêu và luồng vốn đầu tư vào Việt Nam gia tăng một cách nhanh chóng, dự kiến năm 2020 cán cân thương mại xuất siêu đạt khoảng 20 tỷ USD.

Việc tham gia các FTA tạo cơ hội để tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Cụ thể là đối với việc tham gia CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 22.000 lao động.

Khai thác hiệu quả các FTA

Việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường.

Để khai thác hiệu quả lợi thế mà các FTA mang lại cũng như hạn chế thấp nhất những rủi ro cho nền kinh tế, chúng ta phải có những giải pháp căn cơ và đồng bộ. Trước hết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết FTA theo lộ trình đã cam kết. Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và phát triển các thị trường theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành. Để làm được điều đó, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua tiếp cận công nghệ nguồn tốt hơn. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Tăng cường thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn các cấp, diễn đàn doanh nghiệp hai bên giữa Việt Nam với các nước đối tác trong các FTA.

Chúng ta cũng cần quyết liệt cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo cơ chế một cửa nhằm cải cách công tác cấp các loại giấy phép liên quan cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm.

Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; thường xuyên tham vấn với các Hiệp hội, VCCI để nắm bắt các khó khăn, xử lý kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp; phân công và giao trách nhiệm, quyền hạn cho cơ quan chủ trì, đầu mối triển khai các FTA. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia; tổ chức tập huấn cho cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cộng đồng doanh nghiệp về các cam kết cụ thể, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng, vừa tận dụng những cơ hội FTA mang lại vừa hạn chế các rủi ro phát sinh, từ đó thực thi các hiệp định FTA thế hệ mới đầy đủ, hiệu quả.

Phương Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ