Cựu chiến binh có tâm với nghề điêu khắc gỗ
QPTĐ-Sinh ra ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, nơi có nghề truyền thống điêu khắc gỗ, nghệ nhân, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tân là người có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển nghề của quê hương. Nhiều năm qua, ông luôn tận tụy truyền dạy, lưu giữ nghề điêu khắc gỗ cho con cháu trong làng.
Cựu chiến binh, nghệ nhân Nguyễn Văn Tân
giới thiệu sản phẩm tượng phật gỗ Đức Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt.
Vừa học xong cấp hai, cậu bé Nguyễn Văn Tân khi đó được đi học nghề tại Hợp tác xã Hiền Giang, huyện Thường Tín. Thời gian đầu, Tân chỉ học vẽ, nặn đất, rồi bắt đầu làm quen dần với nghề chạm khắc gỗ với những sản phẩm đơn giản. Với đức tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi, tài năng của Tân sớm bộc lộ và tạo ra nhiều sản phẩm khó, tinh xảo. Năm 1980, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tân lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 40, Quân đoàn 3, nhận nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc.
Xuất ngũ trở về địa phương, năm 1990, với tay nghề sẵn có, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tân đã mạnh dạn vay vốn, mở cơ sở điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ, nhận sản phẩm về làm thuê. Nhiều người học nghề trước đây ở hợp tác xã hay con em cựu chiến binh, hộ nghèo cũng được ông nhận về cùng làm, phát triển kinh tế và dạy nghề, giữ gìn nghề truyền thống của quê hương. Hằng năm, khi huyện, xã và các tổ chức đoàn thể tổ chức mở lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, dạy nghề cho bà con nhân dân, ông đều tích cực tham gia giảng dạy, truyền tâm huyết cho hàng trăm học viên là đoàn thanh niên, con em cựu chiến binh, hội nông dân trong huyện. Hiện nay, xưởng sản xuất của ông tạo công ăn, việc làm cho nhiều người với mức thu nhập cao, thợ giỏi thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Một số người được ông tận tình chỉ dạy nay cũng đã tự mở cơ sở sản xuất riêng như anh Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Bình ở thôn Nhân Hiền…
Thành công trong dòng tượng phật, theo nghệ nhân, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tân, cái khó vẫn là diện mạo khuôn mặt tượng. Ông tâm sự: “Để làm ra một sản phẩm đạt yêu cầu thì không những phải đẹp về thẩm mỹ bên ngoài mà còn phải thể hiện được cái thần của nhân vật được ẩn dưới lớp gỗ thô cứng, sần sùi bên trong. Những bức tượng phật do ông làm ra đều toát lên thần thái, nhẹ nhàng mà ít có ai, ít có nghệ nhân nào làm được. Khi nhìn vào bức tượng do ông làm, người xem như thấy được sự bình an.
Cựu chiến binh Tân chia sẻ, để làm ra một sản phẩm có chất lượng tốt, khâu chọn gỗ cũng rất quan trọng. Thường ông hay sử dụng gỗ hương đá nhập khẩu Nam Phi, gỗ mít, gỗ pơ mu cho sản phẩm đẹp, nhẹ và bền.
Từ đó đến nay, xưởng sản xuất của ông ngày một phát triển, được nhiều người biết đến. Người trong nghề kính trọng và nể phục, không chỉ về những tượng phật ông tạo hình mà còn cả cái tâm với nghề. Để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài kinh nghiệm được tôi luyện gần 30 năm, cựu chiến binh, nghệ nhân Nguyễn VănTân đã mất nhiều năm nghiền ngẫm, nghiên cứu tài liệu kĩ thuật chạm khắc. Thậm chí, ông còn mất nhiều thời gian học hỏi thực tế ở các công trình đình, đền, chùa trong cả nước. Vì vậy, cơ sở sản xuất đồ gỗ điêu khắc của gia đình ồng đã tạo được niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước. Ngoài những sản phẩm làm sẵn, khách hàng có thể lựa chọn những sản phẩm đặt theo yêu cầu của mình.
Với nhiều đóng góp cho xã hội, ông và gia đình đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen “Gia đình văn hóa tiểu biểu” năm 2009; Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2016; Hội viên Hội CCB xuất sắc xã Hiền Giang và Nghệ nhân Thủ đô năm 2017.
Đức Anh